Áp lực nguyên liệu đầu vào đã khiến cho các doanh nghiệp xi măng tiếp tục phải điều chỉnh giá xi măng.
Giá xi măng tăng thêm từ 60 – 80.000 đồng/tấn
Từ nửa cuối tháng 5 đến nay, khoảng 10 doanh nghiệp xi măng đã điều chỉnh tăng giá bán với mức tăng dao động từ 60.000-80.000 đồng/tấn. Trong đó, nhóm tăng giá cao nhất bao gồm SCG, Tân Thắng, Luks Việt Nam, Vicem Hoàng Mai, Vicem Bỉm Sơn, Sông Lam… Đơn vị có mức điều chỉnh thấp nhất là Xi măng Xuân Thành Quảng Nam.
Vicem Bút Sơn, The Vissai… là một số doanh nghiệp đã rục rịch tăng giá xi măng từ 50.000-80.000 đồng/tấn, tùy từng loại vào trước đó. Nhìn chung cả tháng 5, có khoảng 12 doanh nghiệp trên thị trường điều chỉnh giá bán.
Đây là đợt điều chỉnh thứ hai trong năm của các doanh nghiệp xi măng. Đợt điều chỉnh này so với hồi tháng 3 ít hơn về số lượng và biên độ điều chỉnh. Cụ thể, hồi tháng 3, có khoảng 13 doanh nghiệp xi măng tăng giá, mức dao động từ 100.000 đồng/tấn đến150.000 đồng/tấn tùy từng doanh nghiệp.
Trong khi đó, hồi cuối tháng 10, đầu tháng 11/2021, các doanh nghiệp xi măng tăng khoảng 80.000-90.000 đồng, cao nhất là 100.000 đồng/tấn.
Nguyên nhân đẩy giá xi măng tăng cao
Nguyên nhân chính của đợt tăng giá xi măng lần này bắt nguồn từ áp lực nguyên liệu đầu vào. Theo chia sẻ của Xi măng Sông Lam, từ sau khi xảy ra xung đột Nga – Ukraine, giá các nguyên vật liệu đầu vào để sản xuất xi măng đều tăng, đặc biệt là 2 loại xăng dầu và than đá (chiến khoảng 35-40% giá thành sản xuất xi măng).
Có thể thấy, giá xăng, giá than đá từ đầu năm đến nay đều có xu hướng tăng mạnh. VnDirect cho hay, có đến gần 2/3 lượng than phải nhập khẩu. Giá thành sản xuất xi măng tại Việt Nam vì thế chịu phụ thuộc lớn vào giá mặt hàng này trên thị trường quốc tế.
Việc gánh trên vai giá nguyên liệu đầu vào cao đã bào mòn lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp. Minh chứng là, lãi sau thuế trong quý đầu năm của Vicem Hà Tiên so với cùng kỳ năm trước giảm gần 74%. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất kể từ quý I/2018. Kết quả kinh doanh của các đơn vị như Vicem Thạch cao Xi măng, Vicem Hoàng Mai, Vicem Hải Vân… cũng kém khả quan.
Thép và xi măng vốn đều là 2 nguyên liệu đầu vào của ngành xây dựng. Theo phân tích của VnDirect, việc tiêu thụ xi măng cũng bị ảnh hưởng bởi việc giá thép tăng liên tục hồi đầu năm. Việc giá thép tăng khiến tiến độ tại các dự án ở cả 3 phân khúc dân dụng, nghĩ dưỡng, hạ tầng đều bị ảnh hưởng đáng kể, kéo theo nhu cầu xi măng thực tế khả năng thấp hơn dự kiến.
Tuy nhiên, từ giữa tháng 5, giá thép được điều chỉnh giảm, đặc biệt là théo xây dựng. Dù chỉ còn bình quân 18,5-18,7 triệu đồng/tấn, nhưng giá thép so với giữa năm ngoái vẫn cao hơn khoảng 1,5-1,7 triệu đồng/tấn.
Như vậy, nếu đà giảm của thép xây dựng được kéo dài, khả năng tiến độ của nhiều dự án sẽ sôi động trở lại, nhu cầu tiêu thụ xi măng được đẩy lên cao.