Sau khi Liên minh châu Âu (EU) thực hiện biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Nga, cấm khí đốt, ông Viktor Orban, Thủ tướng Hungary nói rằng, nền kinh tế EU sẽ bị tàn phá nếu triển khai biện pháp này. Đồng thời, Thủ tướng Hungary cũng khẳng định quốc gia này muốn tập trung vào hòa bình.
Hungary vẫn ưu tiên hòa bình
Ngày 10 tháng 6 vừa qua, ông Viktor Orban đã có cuộc phỏng vấn với đài phát thanh Kossuth, khi được hỏi về cuộc giao tranh Nga – Ukraine, Thủ tướng Hungary chia sẻ:
”Hungary gần như là chính phủ duy nhất trên toàn châu Âu không nhắc về các lệnh trừng phạt và chiến sự, mà nói về mong muốn hòa bình và đầu tư cho hòa bình”.
Tuyên bố này diễn ra trong bối cảnh EU mới đưa ra các biện pháp trừng phạt về cấm nhập khẩu dầu, dự kiến sẽ tiến tới cấm khí đốt của Nga vì chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này tại Ukraine.
Mặc dù có động thái lên án chiến tranh và viện trợ nhân đạo cho Ukraine, tuy nhiên, Hungary đã từ chối viện trợ quân sự, vũ khí cho nước này và thể hiện lập trường nhất quán trong việc phản đối các lệnh cấm vận nhiên liệu hóa thạch, khí đốt của Nga. Ông Orban khẳng định: “Nếu họ ban lệnh cấm vận khí đốt, họ sẽ hủy hoại nền kinh tế châu Âu”
EU cấm vận dầu Nga
Hồi tháng 5, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã một lần nữa khẳng định mục tiêu chiến lược của EU là giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu hóa thạch từ Nga, gồm dầu mỏ, khí đốt và than đá. Trước đó, tại một thông báo chính thức của EU vào tháng 4/2022, Liên minh này đã công bố kế hoạch dừng nhập khẩu khí đốt của Nga từ năm 2027.
Hiện nay, Nga là nước cung cấp khí đốt hàng đầu cho Liên minh châu Âu, chiếm khoảng 40% lượng khí đốt nhập khẩu của khu vực này. Trong đó, Đức, Italy và các nước Trung Âu là các quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào nguồn cung này. Bên cạnh đó, Nga cũng là nguồn cung cho khoảng 25% dầu mỏ nhập khẩu của các nước EU.
Động thái mới của Liên minh châu Âu là lệnh trừng phạt thứ 6 kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Trong đó, có việc cấm hoàn toàn hoạt động nhập khẩu, vận chuyển dầu có nguồn gốc từ Nga đi qua lãnh hải của EU.
Đáp lại với động thái trên, Bộ Ngoại giao Nga đã ra cảnh báo rằng lệnh cấm này có thể là nguyên nhân làm mất ổn định thị trường năng lượng toàn cầu, đồng thời cũng chính là hành động tự gây tổn hại đối với EU.