CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) vừa có văn bản giải trình về việc không công bố thông tin giao dịch bán cổ phiếu quỹ, được biết đây là số cổ phiếu bồi thường từ gia đình ông Võ Trường Thành nhằm khắc phục một phần thiệt hại cho Công ty. Sự kiện giao dịch cổ phiếu bồi thường như tại TTF cũng chưa hề có tiền lệ trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Cụ thể, theo TTF, số cổ phiếu này trước đây là cổ phiếu thường (lưu hành bình thường trên thị trường, được lưu ký trên VSD) thuộc sở hữu của gia đình ông Võ Trường Thành. Theo thoả thuận cuối cùng đã được thông qua của cơ quan chức năng, bản chất đây là giao dịch của gia đình ông Võ Trường Thành chuyển cổ phiếu về và TTF đại diện bán, thu hồi tiền để bồi thường các thiệt hại do nguyên lãnh đạo đã gây ra.
“Sau khi nhận được 12,6 triệu cổ phiếu từ gia đình ông Võ Trường Thành, chúng tôi cũng không biết phải hạch toán số lượng cổ phiếu này như thế nào, khi bán phải thực hiện thủ tục gì hay không”, TTF nhấn mạnh.
Chi tiết sự vụ, năm 2020, theo thoả thuận chuyển giao tài sản, gia đình ông Võ Trường Thành đồng ý chuyển giao 12,6 triệu cổ phiếu TTF cho TTF để khắc phục một phần thiệt hại. Sau thoả thuận chuyển giao tài sản, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã có văn bản giải toả tài sản để hai bên thực hiện thủ tục chuyển giao tài sản.
Trong năm 2020, Công ty nhận toàn bộ hơn 12,6 triệu cổ phiếu TTF từ gia đình ông Võ Trường Thành. Đến ngày 19/10/2020 TTF cũng đã có công văn xin ý kiến hướng dẫn của UBCKNN về việc hạch toán số cổ phiếu TTF đã nhận bồi thường từ gia đình ông Võ Trường Thành như thế nào theo chuẩn mực kế toán, thủ tục bán cổ phiếu đã nhận.
Ngày 17/11/2020, UBCKNN đã có công văn đề nghị TTF có công văn tới Cục Quản lý, giám sát kế toàn, kiểm toán – Bộ Tài chính xin hướng dẫn việc hạch toán số cổ phiếu đã nhận từ gia đình ông Võ Trường Thành.
Ngày 15/12/2020, TTF cũng đã có công văn tới Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán – Bộ Tài chính xin hướng dẫn việc hạch toán số cổ phiếu đã nhận từ gia đình ông Võ Trường Thành. Ngày 15/1/2021 Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán – Bộ Tài chính đã có công văn hướng dẫn TTF về chế độ kế toán. Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán cũng có hướng dẫn TTF hạch toán số cổ phiếu TTF đã nhận bồi thường từ gia đình ông Võ Trường Thành trên sổ sách là cổ phiếu quỹ.
Về giao dịch, trong thời gian từ tháng 8-12/2020 đã bán gần 8,9 triệu cổ phiếu nhận từ gia đình ông Võ Trường Thành. Như vậy, vào ngày 31/12/2020, số cổ phiếu quỹ của Công ty là 3,75 triệu cổ phiếu, trong đó có gần 3,73 triệu cổ phiếu đã nhận từ gia đình ông Võ Trường Thành chưa được bán và chỉ 15.815 cổ phiếu của Công ty trước đó. Đến tháng 3/2021, Công ty tiếp tục thực hiện bán hết gần 3,73 cổ phiếu còn lại từ gia đình ông Võ Trường Thành. Vì vậy, số cổ phiếu quỹ thực chất còn lại trước thời điểm nhận chuyển giao từ gia đình ông Võ Trường Thành tại ngày 31/12/2021 vẫn là 15.815 cổ phiếu.
Đại diện TTF một lần nữa nhấn mạnh, số 12,6 triệu cổ phiếu nhận từ gia đình ông Võ Trường Thành bản chất không phải là cổ phiếu quỹ (cổ phiếu Công ty mua lại cổ phiếu của chính Công ty, khi bán phải gửi hồ sơ xin phép UBCKNN chấp thuận mới được phép bán), mà theo ghi nhận là vào cổ phiếu quỹ về mặt nghiệp vụ kế toán. Cùng với đó, việc bán ra số cổ phiếu này nằm trong kế hoạch thảo thuận, cũng như đã được thông qua tại các kỳ ĐHĐCĐ liên quan.
“Việc bán số cổ phiếu khắc phục của gia đình ông Võ Trường Thành là động thái cần thiết, đồng thời điều này cũng hỗ trợ mang lại dòng tiền cho Công ty, từ đó hỗ trợ tình hình kinh doanh giúp tạo thêm giá trị cho cổ phiếu TTF trên thị trường, cho cổ đông. Riêng số cổ phiếu quỹ của Công ty là 15.815 cổ phiếu, TTF chưa có kế hoạch và sẽ không bán cổ phiếu quỹ ra thị trường trong thời gian tới”, TTF cho biết thêm.
Hiện, số cổ phiếu quỹ nhận từ gia đình ông Võ Trường Thành Công ty đã bán hết, TTF cũng đã có văn bản giải trình với UBCKNN về việc này. Về việc TTF không thực hiện báo cáo với Sở GDCK Tp.HCM (HoSE) và công bố thông tin việc bán cổ phiếu quỹ, thay đổi cổ phiếu quỹ theo quy định, TTF cho rằng bản chất của giao dịch trên là chuyển giao cổ phiếu từ gia đình ông Võ Trường Thành sang cho TTF để bồi thường thiệt hại của cổ đông cho Công ty, nhằm khắc phục thiệt hại.
“Chúng tôi cho rằng nghiệp vụ này không phải là mua bán cổ phiếu giữa hai bên theo giao dịch mua bán cổ phiếu thông thường. Công ty chúng tôi chỉ nghĩ rằng đây là tài sản mà gia đình ông Võ Trường Thành chuyển giao nhằm khắc phục, bồi thường thiệt hại. Do đó, Công ty chủ trương sẽ bán các tài sản nêu trên nhằm hoàn tất việc khắc phục một phần thiệt hại của gia đình ông Võ Trường Thành.
Công ty không có chủ trương mua lại cổ phiếu quỹ hoặc giảm số lượng cổ phiếu quỹ đang lưu hành. Vì vậy, Công ty chúng tôi chưa nhận thức được khi bán số cổ phiếu đã nhận này phải báo cáo HoSE và công bố thông tin theo quy định. Ngoài ra, chúng tôi cũng không tìm thấy trường hợp tương tự trước đó để có cơ sở tham chiếu”, TTF nói.
Được biết, về kinh doanh, TTF đã và đang có những điểm sáng sau nhiều năm giải quyết loạt vấn đề tồn đọng. Khẳng định với cổ đông tại kỳ họp ĐHĐCĐ vừa qua, Chủ tịch Mai Hữu Tín nói: “TTF đã qua điểm hòa vốn, từ bây giờ là giai đoạn tăng trưởng. Nếu không bị ảnh hưởng Covid-19 trong năm 2021 thì báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh đã đẹp hơn rất nhiều”.
Sang năm 2022, Công ty thống nhất mục tiêu doanh thu thuần đạt 2.269 tỷ đồng – tăng 41% và lãi sau thuế gần 73 tỷ đồng – đột biến gấp 29 lần so với kết quả của năm 2021. Kết thúc quý đầu năm, TTF lãi ròng 19 tỷ đồng, khả quan hơn nhiều so với khoản lỗ hơn 39 tỷ đồng cùng kỳ trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 15 tỷ đồng.
TTF cũng đã quyết định đầu tư gần 5,4 triệu USD (tương đương 124 tỷ đồng) để nắm 20% vốn Công ty Natuzzi Singapore PTE. Ltd (trụ sở đặt tại Singapore). Theo TTF, mục đích là nhằm xây dựng thương hiệu và mở rộng sự hiện diện của các sản phẩm nội thất sản xuất tại Việt Nam ra thế giới. Trong đó, ở rộng thị trường xuất khẩu là mục tiêu lớn của TTF đặt ra từ năm 2020 – sau khi mất 2 năm để củng cố và tìm lời giải cho bài toán giải cứu Công ty sau cú sốc hàng tồn năm 2016. TTF hiện còn đang đánh vào các thị trường khó tính như Trung Đông và Nga; cùng với các thị trường lâu năm đang làm như châu Âu, Nhật Bản, Mỹ, Australia…