Xuất khẩu thủy sản chỉ đạt 588 triệu USD, trong tháng 8/2021, giảm gần 28% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm ở hầu hết các sản phẩm chủ lực.
Thủy sản gặp khó
Cụ thể hơn, theo khảo sát của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), xuất khẩu thủy sản sang tất cả các thị trường trong tháng 8/2021 đều giảm từ 16–50% so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể: Trung Quốc và Nhật Bản cùng giảm mạnh 36%; EU giảm 32% (riêng sang Hà Lan giảm gần 50%, Đức giảm 42%); Anh giảm 48%; Australia và Canada giảm 35% và 37%; Mỹ và Nga giảm ít nhất là 16%.
Nếu so với tháng 7/2021 (tháng vẫn duy trì kim ngạch tăng nhờ lượng hàng dự trữ), thì tháng 8/2021 xuất khẩu giảm 31%. Trong đó, tôm giảm mạnh nhất với 36%, cá tra giảm 31%, cá ngừ và cá biển khác giảm 25%, mực, bạch tuộc giảm 23%…
Về hoạt động của doanh nghiệp, do dịch Covid -19 bùng phát mạnh, số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thuỷ sản trong tháng 8/2021 đã giảm hơn 100 đơn vị so với tháng 7/2021 và so với cùng kỳ 2020 giảm hơn 150 đơn vị.
Luỹ kế 8 tháng năm 2021, xuất khẩu thủy sản đạt gần 5,6 tỷ USD, tăng khoảng 7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu tôm tăng 6,4% đạt 2,45 tỷ USD, cá tra đạt 993 triệu USD, tăng 8,8%, cá ngừ tăng 12%, mực, bạch tuộc và cá khác tăng 4-5%. Kết quả này có được là nhờ xuất khẩu của 7 tháng trước đó tăng cao.
So với cùng kỳ năm 2020, Nga là thị trường xuất khẩu lớn nhất với mức tăng trưởng 52%; tiếp đến là Mỹ tăng gần 27%; Australia tăng 25%; EU tăng 10%; Hàn Quốc tương đương cùng kỳ năm ngoái; trong khi đó xuất khẩu sang Trung Quốc giảm sâu 14,6%, Nhật Bản giảm gần 3%.
Doanh nghiệp cần tiếp sức
Nhiều doanh nghiệp thủy sản cho biết sức chịu đựng của họ đã đến mức báo động nếu không thể phục hồi sản xuất sớm. Trong trường hợp doanh nghiệp được trở lại sản xuất bình thường sau khi nới lỏng giãn cách, khả năng đáp ứng được các đơn hàng cho mùa lễ cuối năm cũng khá hạn chế, những đơn hàng mới hầu như khó thực hiện.
Theo khảo sát của VASEP, đến nay số lượng các đơn hàng xuất khẩu thủy sản đã tăng 10 – 20% so với năm 2020 do các thị trường trên thế giới đều đã khôi phục lại. Nhu cầu nhập khẩu thủy sản trên thế giới trong quý cuối năm sẽ tăng cao, đặc biệt để phục vụ tiêu dùng trong các kỳ nghỉ lễ lớn như Giáng sinh, Tết dương lịch…
Tất cả đều chung kỳ vọng sẽ tăng tốc trở lại vào ba tháng cuối năm, đặc biệt từ tháng 10 – thời điểm nhu cầu và đơn hàng xuất khẩu thường tăng cao.Bên cạnh đó, hy vọng, Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 của Chính phủ, ngành thuỷ sản sẽ có điều kiện để nối lại chuỗi cung ứng và hồi phục dần sản xuất.
Mục tiêu xuất khẩu của ngành thủy sản cả năm 2021 là đạt 8,5 – 8,8 tỷ USD, như vậy, trong bốn tháng cuối năm, ngành thủy sản cần phải đem về 3 tỷ USD. Tuy nhiên, dự tính của VASEP cho thấy hiện chỉ có khoảng 30-40% doanh nghiệp thủy sản đủ năng lực phục hồi sản xuất ngay sau giãn cách. Số doanh nghiệp còn lại đang rất khó khăn hoặc cần thời gian dài để khôi phục lại sản xuất.
Nhiều địa phương đã và đang triển khai nhiều giải pháp tích cực hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tham mưu cho Chính phủ xem xét bình ổn giá thức ăn nuôi tôm, hỗ trợ tiền điện cho người nuôi tôm, cụ thể giảm khoảng 30% trong vòng một năm kể từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022 và bố trí các chương trình cho vay vốn ưu đãi lãi suất, giảm lãi suất và giãn nợ cho các bên tham gia trong chuỗi ngành hàng thủy sản để phục hồi sản xuất trong điều kiện bình thường mới