Ngày 30/6, Dragon Capital trở thành cổ đông lớn tại FPT ( HoSE: FPT ), nâng sở hữu từ 4,95% vốn (54,4 triệu cổ phần) lên 5,06% vốn (55,5 triệu cổ phiếu) sau khi các đơn vị thành viên mua tổng cộng 1,2 triệu đơn vị FPT.
Cụ thể, quỹ thành viên Norges Bank gom 900.000 cổ phiếu FPT, tăng lượng nắm giữ từ 5,1 triệu đơn vị (tỷ lệ 0,47%) lên 6 triệu đơn vị (tỷ lệ 0,55%). Quỹ Vietnam Enterprise Investments Limited – đơn vị nắm giữ nhiều cổ phiếu FPT nhất – đã tăng sở hữu lên 10,6 triệu cổ phiếu, tương đương 0,97% vốn sau khi mua 120.000 đơn vị. Bên cạnh đó, quỹ DC Developing Markets Strategies Public Limited Company và Samsung Vietnam Securities Master Investment Trust [Equity] mua lần lượt 99.900 cổ phiếu và 50.000 cổ phiếu.
Trước đó, Dragon Capital từng là cổ đông lớn của FPT ngày 12/5 sau khi 4 quỹ thành viên mua 698.600 cổ phiếu. Song, ngay trong ngày này, nhóm quỹ này đã thực hiện bán ra tổng cộng 1,3 triệu cổ phiếu để giảm sở hữu tại FPT còn 4,91% vốn điều lệ.
Kết phiên ngày 30/6, thị giá cổ phiếu FPT giảm 4,22% còn 86.200 đồng/cp sau 3 phiên tăng liên tiếp. Tạm tính theo giá này, Dragon Capital đã chi hơn 100,8 tỷ đồng để sở hữu lượng cổ phần trên.
Thị giá cổ phiếu FPT. Ảnh: TradingView.
Lũy kế 5 tháng đầu năm, công ty công nghệ ghi nhận doanh thu thuần 16.227 tỷ đồng, lãi sau thuế 2.598 tỷ đồng; lần lượt tăng 22,2% và 30,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính riêng trong tháng 5, doanh thu đạt 3.236 tỷ đồng, tăng 13,6 % so với tháng 5/2021; lợi nhuận sau thuế tăng 25,1% lên 517 tỷ đồng.
Trong 5 tháng đầu năm, doanh thu mảng công nghệ đạt 9.159 tỷ đồng, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 56% tổng doanh thu. Lãi trước thuế mảng này là 1.045 tỷ đồng, tăng 23,4%. Tăng trưởng doanh thu dịch vụ chuyển đổi số là 78%, trong đó doanh thu đến từ dịch vụ điện toán đám mây (Cloud) đạt mức 70 triệu USD, chiếm 56% doanh thu từ chuyển đổi số.