Ba cổ đông CTCP Quốc Cường Gia Lai (HoSE: QCG) vừa có đơn gửi các cơ quan chức năng kiến nghị thực hiện kiểm tra, thanh tra thuế đối với Quốc Cường Gia Lai để đảm bảo quyền lợi các cổ đông, cũng như đảm bảo việc nộp thuế của doanh nghiệp này được thực hiện đầy đủ.
Nguồn tin Nhadautu.vn cho hay, Văn phòng Quốc hội vào ngày 1/6 đã chuyển đơn kiến nghị của 3 cá nhân trên đến Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.
Hiện nay, dù trực tiếp sở hữu 55% cổ phần, tuy nhiên vai trò của gia đình người sáng lập Nguyễn Thị Như Loan tại QCGL gần như là tuyệt đối. Bà Loan cùng người đồng hành Lại Thế Hà là hai thành viên duy nhất trong Ban điều hành, và chiếm 2/3 vị trí trong HĐQT QCGL. Trong đó, ông Hà đảm trách vai trò Chủ tịch HĐQT, còn bà Loan là Tổng giám đốc.
Trên sàn chứng khoán, không thiếu các doanh nghiệp dù là công ty đại chúng quy mô lớn nhưng về bản chất không khác gì những công ty gia đình, do một nhóm lãnh đạo có quan hệ thân thiết chi phối gần như toàn bộ. Điều này gây nguy cơ lớn với các cổ đông thiểu số, nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Theo quan điểm từ Ngân hàng Thế giới (WB), bảo vệ cổ đông là một trong những tiêu chí đánh giá quản trị công ty tốt. Khi luật pháp bảo vệ quyền và lợi ích của nhà đầu tư tốt mới tạo động lực để họ bỏ tiền đầu tư vào doanh nghiệp.
Trên cơ sở đó, WB đã đặt ra 5 tiêu chí để bảo vệ cổ đông tốt, đó là: Công khai hóa giao dịch có liên quan; trách nhiệm người quản lý; quyền của cổ đông; tỷ lệ sở hữu và kiểm soát công ty; minh bạch hóa thông tin. Tuy nhiên, khi áp các tiêu chí này vào thực trạng bảo vệ cổ đông ở Việt Nam, các chỉ số đều rất thấp so với các nước được đánh giá.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI đánh giá, thực tế chất lượng quản trị tại các doanh nghiệp chưa cao. Các công ty TNHH, công ty cổ phần hầu như không có chất lượng quản trị như các nước khác.
“Nhìn rộng hơn, doanh nghiệp vẫn huy động vốn qua ngân hàng, tỷ lệ huy động vốn cổ đông còn ít. Nhà đầu tư nước ngoài không tin tưởng vào góp vốn”, ông Tuấn nói.
Sau giai đoạn tăng trưởng rất nhanh 2020-2022, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến sự gia nhập mạnh mẽ của lớp lớp nhà đầu tư cá nhân. Hiện nay, hơn 90% nhà đầu tư tham gia trên thị trường là cá nhân, số tài khoản chứng khoán cập nhật tới cuối tháng 4/2022 đã tương đương 5,2% dân số. Tuy nhiên, các quy định bảo vệ quyền lợi của cổ đông thiểu số, nhà đầu tư nhỏ lẻ, dù đã được tăng cường phần nào, song hiệu quả thực tế chưa cao.
Điển hình là vụ việc cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bán “chui” 74,8 triệu cổ phiếu ở vùng đỉnh trong phiên 10/1/2022. Động thái vi phạm pháp luật này của ông Quyết không chỉ khiến cổ đông FLC bị thiệt hại nặng, mà còn khiến các cổ phiếu khác trong hệ sinh thái như ROS, HAI, ART, AMD, KLF mất phần lớn thị giá cho đến nay. Không chỉ vậy, nhóm cổ phiếu thị trường bất động sản khác như CII, NBB, QCG, SCR, DIG, NLG, CEO, HQC cũng rơi vào cảnh bán tháo thời gian dài.
Ông Trịnh Văn Quyết cùng các đồng phạm sau đó đã bị khởi tố, bắt giam với cáo buộc thao túng thị trường chứng khoán. Với cáo buộc tương tự, cơ quan chức năng cũng đã khởi tố, bắt giam cựu Chủ tịch Louis Holdings Đỗ Thành Nhân và cựu TGĐ CTCP Chứng khoán Trí Việt Đỗ Đức Nam liên quan đến làm giá cổ phiếu BII, TGG.
Những động thái mạnh tay này, cùng với vụ án trái phiếu Tân Hoàng Minh là thông điệp mạnh mẽ của cơ quan chức năng nhằm làm sạch thị trường tài chính, vốn rất lộn xộn suốt thời gian dài qua.
Nhà đầu tư kỳ vọng rằng, song song với những biện pháp mạnh mẽ thanh lọc thị trường, các cơ quan chức năng cũng cần quan tâm hơn nữa công tác bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư nhỏ lẻ/ cổ đông thiểu số.
Cổ đông thiểu số/ nhà đầu tư nhỏ lẻ dù chiếm tỷ lệ rất lớn trên thị trường chứng khoán, song thực quyền ở các doanh nghiệp rất ít. Trong nhiều trường hợp gần như không có. Cổ đông lớn, với sự chi phối trong HĐQT, BKS, dễ dàng thông qua mọi quyết định mà không phụ thuộc vào ý kiến của cổ đông nhỏ. Cổ đông lớn có nguồn lực, kinh nghiệm và có bộ phận pháp chế chuyên nghiệp để “vận dụng” những hạn chế của pháp luật đối với cổ đông thiểu số, nhằm chèn ép, hạn chế tối đa vai trò và quyền hạn của cổ đông thiểu số.
Luật Doanh nghiệp 2020 đã có những sự quan tâm đáng kể đến vấn đề bảo vệ quyền lợi của cổ đông thiểu số, mà nổi bật nhất là quy định nhóm cổ đông sở hữu 5% cổ phần (trước đây là 10%) có quyền xem xét, tra cứu, trích lục số biên bản và nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị, báo cáo tài chính giữa năm và hằng năm, báo cáo của Ban kiểm soát, hợp đồng, giao dịch phải thông qua Hội đồng quản trị và tài liệu khác, Yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông; Yêu cầu Ban kiểm soát kiểm tra từng vấn đề cụ thể liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động của công ty khi xét thấy cần thiết.
Tuy nhiên, để hiện thực hoá một cách hiệu quả chủ trương này, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước. Bên cạnh giáo dục, nâng cao trình độ, tuyên truyền đường lối pháp luật cho nhà đầu tư cá nhân, thì cần có chế tài và áp dụng xử lý mạnh mẽ đối với các trường hợp vi phạm quyền lợi của cổ đông thiểu số/ nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Trả lại quyền lợi chính đáng cho cổ đông thiểu số/ nhà đầu tư nhỏ lẻ là một trong những “nút thắt” để hướng tới một thị trường minh bạch, phát triển bền vững, thu hút sự quan tâm lâu dài của đông đảo người dân cũng như nhà đầu tư nước ngoài.
Theo ông Phan Đức Hiếu – Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, cải cách thể chế để bảo vệ nhà đầu tư là rất quan trọng, bởi quản trị công ty tốt sẽ mang lại nhiều lợi ích. Song quản trị công ty ở Việt Nam rất có vấn đề. Lợi ích của quản trị tốt chưa được nhận thức đầy đủ.
Liên quan đến việc cổ đông sở hữu 5% cổ phần mới có quyền xem xét, tra cứu nghị quyết, quyết định của HĐQT, ông Hiếu cho rằng trong một số trường hợp cụ thể với các công ty quy mô lớn, việc yêu cầu đòi hỏi số lượng cổ phần 5% có thể chưa phù hợp, bởi theo Luật Chứng khoán thì đây đã là những cổ đông lớn.
“Các cổ đông cần lưu ý là trong Luật Doanh nghiệp có khái niệm cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu một lượng cổ phần nhất định. Như vậy, nếu như cổ đông không đạt điều kiện đó thì họ có thể liên kết với các cổ đông khác”, ông Hiếu nói.
Dù vậy, ông cũng nhận xét rằng, thói quen liên kết giữa các cổ đông tại Việt nam vẫn chưa có; cổ đông nhỏ nên tìm cách thức hoặc thiết lập các mạng lưới liên kết với nhau một cách tốt hơn để đủ tỷ lệ và thực hiện quyền của mình một cách hiệu quả hơn.
Thậm chí, những cổ đông liên kết với nhau có thể ủy quyền cho luật sư, những người có chuyên môn tham dự đại hội đồng cổ đông để đảm bảo thực hiện quyền cổ đông tốt hơn.