Cao điểm du lịch, giá vé máy bay nội địa các chặng đến thành phố du lịch như Đà Nẵng, Nha Trang hay Phú Quốc… “đắt khét”.
Giá vé máy bay nội địa liên tục “nhảy múa”
Sau những ngày tháng đìu hiu vì dịch bệnh, du lịch đang bước vào những ngày tháng cao điểm của dịp hè. Vì thế, giá vé máy bay di chuyển đến các thành phố du lịch ở mức rất cao, liên tục nhảy múa, tăng giá tính bằng giờ.
Theo khảo sát của Zing, nhiều chặng bay nội địa khác giá vé máy bay khứ hồi cũng dao động trong khoảng 4-6 triệu.
Chặng Hà Nội – Pleiku ở tất cả các hãng có mức giá dao động 3,3-3,8 triệu đồng. Chặng Hà Nội – Buôn Mê Thuột (Đăk Lăk) ở mỗi hãng là một mức giá khác nhau. Trong đó, mức thấp nhất là 3,7 triệu đồng khi bay Vietjet Air; 4,8-5,5 triệu đồng nếu khách bay Vietnam Airlines hoặc Bamboo Airway.
Mức giá cao nhất có lẽ là chặng bay Hà Nội – Côn Đảo khi chạm mốc 8,5-10 triệu đồng/khứ hồi, bay của hai hãng Bamboo Airway và Vietnam Airlines. Đáng nói, ở một số chuyến bay về, hành khách phải nối chuyến ở sân bay Tân Sơn Nhất mà không được bay thẳng.
Nếu bay từ TP HCM đi Côn Đảo, khách sẽ phải chi số tiền từ 3,6-4 triệu đồng. Còn giá vé bay đến Vinh thấp nhất là 4,2 triệu đồng, hãng Vietjet Air và 5-6,3 triệu đồng nếu bay Bamboo Airway và Vietnam Airline.
Giá vé chặng bay TP.HCM – Hải Phòng là 3,5-4,2 triệu đồng khi bay Vietjet Air và 4-5,5 triệu đồng khi bay Bamboo Airway, Vietnam Airlines).
Giá vé máy bay cao hơn thường lệ để bù đắp chiều bay “rỗng”?
Việc giá vé máy bay nội địa tăng cao khiến nhiều khách hàng than phiền. Với những chặng bay du lịch, khách ít than vãn hơn. Nhưng với những chặng bay nội địa phục vụ đi lại công việc, về quê thì khách đều bất ngờ trước mức tăng quá cao. Đến mức họ tưởng đại lý tính nhầm số lượng.
Giá vé máy bay tăng cao không chỉ bởi nhu cầu đi lại nhiều khi vào mùa du lịch mà còn bởi giá xăng dầu. Đây là một trong những yếu tố ảnh hưởng khá lớn đến các hãng bay, trên phạm vi toàn thế giới.
Giá xăng ZA1 đã tăng từ 85 USD lên 160-170 USD/thùng. Trong khi đó, chi phí nhiên liệu bay của một hãng hàng không đang chiếm tới 38% so với mức 27% của năm 2019. Do đó, nhiều hãng hàng không đã tăng giá vé máy bay nhằm cân đối chi phí chuyến bay.
TS. Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) nêu quan điểm, yếu tố “lệch đầu” chính là nguyên nhân khiến giá các chuyến bay dịp cao điểm của các hãng hàng không khác biệt lớn.
Nói cách khách, nhu cầu 2 chiều bay của khách một bên lớn, một bên thấp nên có thể mức giá các chuyến bay cao hơn thường lệ nhằm đảm bảo hiệu quả chi phí, bù đắp chiều bay “rỗng” hoặc không đủ khách.