Thủ tướng Anh Boris Johnson từ chức ngày 7 tháng 7 để lại là một nền kinh tế đình trệ, bị đè nặng bởi lạm phát và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.
Thủ tướng Anh Boris Johnson từ chức
Trong bối cảnh đa phần các nền kinh tế lớn trên thế giới đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tác động của Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga triển khai tạ Ukraine, Anh là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.
Điều này đã dẫn đến uy tín lãnh đạo của ông Boris Johnson bị tổn hại nghiêm trọng và là nguyên nhân dẫn đến việc ông phải từ chức.
Nền kinh tế Anh sẽ ra sao?
Tuy nhiên, nền kinh tế Anh được dự báo sẽ phải đổi mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng trong thời kỳ hậu Thủ tướng Johnson, cụ thể:
Về khủng hoảng giá, trong tháng 5/2022, lạm phát ở Anh đạt mức 9,1%, cao nhất trong nhóm G7 và là mức cao nhất trong 40 năm trở lại đây. Tuy nhiên, lạm phát được dự báo có thể lên đến 11% trong cuối năm nay.
Về lao động, việc làm, tình trạng thiếu lao động, đặc biệt là lao động phổ thông sẽ ngày càng trầm trọng do tác động của việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), điều này có thể làm gia tăng chi phí lao động khiến hoạt động của doanh nghiệp gặp thêm nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, chi phí nhập khẩu tất cả các mặt hàng của Anh đều tăng do đồng bảng Anh là một trong những đơn vị tiền đang mất giá mạnh nhất thế giới. Hiện nay, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đã ở mức nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ, điều đáng nói là xu hướng này chưa có dấu hiệu dừng lại.
Liên quan đến tình trạng này, Ngân hàng Trung ương Anh gần đây đã cảnh báo rằng triển vọng của nền kinh tế đã xấu đi ở tất cả các phương diện, do tác động cộng hưởng của Brexit, dịch Covid-19 và xu hướng tăng giá tiêu dùng toàn cầu.
Hãng Resolution Foundation đã có bài phân tích chỉ ra rằng thu nhập khả dụng của một hộ gia đình điển hình tại Anh sau khi trừ lạm phát chỉ tăng 0,7%/năm trong vòng 15 năm trước khi dịch Covid-19 bùng phát.
Tháng 6/2022, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế dự báo nền kinh tế Anh đang sắp rơi vào tình trạng rất đáng báo động, trong đó, dự báo tăng trưởng GDP của nước này sẽ là 0% trong năm 2023, mức thấp nhất trong Nhóm G7. Đây có thể coi là tin xấu đối với nợ công, vì hiện tại các khoản nợ của Chính phủ Anh đã lên tới hơn 90% GDP do chi trả các khoản hỗ trợ nhằm giúp doanh nghiệp và hộ gia đình đối phó với đại dịch Covid và cuộc khủng hoảng năng lượng.
Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách của chính phủ Anh thậm chí còn dự báo nợ công của nước này có thể vượt 250% GDP trong dài hạn.