Một quỹ trị giá 10 tỷ Nhân dân tệ, tương đương gần 1,5 tỷ USD đã được Chính phủ Thượng Hải lập ra để dành riêng cho việc phát triển metaverse.
Mục tiêu của Thượng Hải trong việc phát triển metaverse
Tờ South China Morning Post đưa tin, chính phủ Thượng Hải đã có kế hoạch về việc thành lập một quỹ công nghiệp trị giá 10 tỷ Nhân dân tệ (gần 1,5 tỷ USD) để phát triển metaverse. Mục tiêu của quỹ này là thông qua các sản phẩm và dịch vụ metaverse, các dự án năng lượng carbon thấp và công nghệ thiết bị đầu cuối thông minh để dẫn đầu sự phục hồi kinh tế của đất nước này.
Tại cuộc họp báo diễn ra vào ngày 08/07, người đứng đầu Ủy ban Kinh tế và Công nghệ Thông tin Thượng Hải – Wu Jincheng cho biết, với tham vọng tạo ra 10 công ty dẫn đầu ngành và 100 doanh nghiệp quy mô nhỏ chuyên về cải tiến các sản phẩm và dịch vụ, Thượng Hải muốn hiện thực hóa bằng khoản tài trợ 1,5 tỷ USD.
Theo ông Wu, việc đầu tư vào metaverse sẽ góp phần thúc đẩy sự chuyển đổi cũng như nâng cấp của nhiều ngành công nghiệp trong nền kinh tế thực. Tính đến năm 2025, giá trị thị trường trong các lĩnh vực đó được ước tính khổng lồ, trị giá lên đến 224 tỷ USD.
Kế hoạch của Ủy ban Kinh tế và Công nghệ Thông tin Thượng Hải là phát triển 2 công ty sản xuất thiết bị đầu cuối như tai nghe thực tế ảo, robot, tiện ích nhà và phương tiện thông minh, góp phần vào cải thiện sức khỏe, chăm sóc người cao tuổi cũng như nâng cấp hệ thống giao thông vận tải.
Chưa hết, dự định của Thượng Hải còn là “nuôi dưỡng” 10 nhà lãnh đạo ngành cùng với 1.000 công ty nhỏ tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp carbon thấp. Việc này nhằm phát triển năng lượng hydro, thiết bị năng lượng cao cấp, luyện kim carbon thấp.
Hồi đầu năm 2022, trong kế hoạch phát triển 5 năm tới, khuôn khổ bộ khung kế hoạch của chính quyền trung ương, lần đầu tiên, Ủy ban Kinh tế và Công nghệ Thông tin Thượng Hải đề cập đến metaverse như một trong bốn “trụ cột khám phá”. Thậm chí, metaverse còn được “khuyến khích” đưa vào các dịch vụ công, văn phòng kinh doanh, sản xuất công nghiệp, giải trí xã hội, trò chơi điện tử.
Tháng 5, Tòa án nhân dân cấp cao ở Thượng Hải phán quyết, Bitcoin có giá trị kinh tế, chính thức là tài sản kỹ thuật số và được luật pháp Thượng Hải bảo hộ. Tiền mã hóa tại Thượng Hải chính thức “sang trang” mới.
Tiền mã hóa vẫn gặp khó ở Trung Quốc
Dù trước đó, khi hàng nghìn công ty tại Trung Quốc đổ xô vào metaverse, trong đó có Alibaba hay Tencent khiến cho chính phủ nước này mở rộng đàn áp sang metaverse và NFT. Thậm chí, đầu năm 2022, Ủy ban Điều tiết Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc liên tục cảnh báo về các kế hoạch gọi vốn bất hợp pháp có liên quan đến metaverse.
Gần đây, thị trường tiền mã hóa suy thoái. Economic Daily đã ra sức can ngăn công dân sử dụng tiền mã hóa, đồng thời phát cảnh báo tới các nhà đầu tư về nguy cơ Bitcoin “quay về thời đồ đá”.
Chưa kể, Trung Quốc đã “tái xuất” và quay trở lại đường đua đào BTC dù năm ngoái chịu sự đàn áp gắt gao của chính phủ. Hiện, trên đường đua, Trung Quốc chỉ đứng sau Mỹ.