Bộ trưởng ngoại giao Saudi Arabia: Dầu mỏ không phải là vũ khí chính trị.
Ngay sau cuộc gặp với thái tử Saudi Arabia, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông dự kiến nước này sẽ thực hiện “các bước tiếp theo” để tăng nguồn cung dầu “trong những tuần tới.”
Tuy nhiên, phía Saudi Arabia nhanh chóng đáp trả rằng nguồn cung sẽ “tùy nhu cầu”, đây được xem như dội một gáo nước lạnh vào ông Biden.
Tổng thống Joe Biden đang có chuyến thăm vùng Vịnh lần đầu tiên, trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn trong nước khiến uy tín của ông sụt giảm và ảnh hưởng đến Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 tới. Phát biểu sau cuộc họp, Biden cho biết ông đang làm mọi thứ trong khả năng của mình để tăng nguồn cung dầu thô và ông hy vọng sẽ thành công.
Ông nói thêm rằng người tiêu dùng Mỹ có thể cảm nhận được tác động của chuyến thăm của ông đến vương quốc dầu mỏ tại các trạm xăng trong “vài tuần nữa.” Tuy nhiên, ông Biden không nói rõ là Saudi Arabia có đồng ý tiếp tục tăng sản lượng theo kế hoạch tăng sản lượng ban đầu hay không.
Saudi Arabia dội gá nước lạnh
Saudi Arabia cũng không thông báo về việc tăng sản lượng ngay lập tức, Bộ trưởng Ngoại giao Adel Jubeir đã nhắc lại lập trường của vương quốc về kế hoạch sản lượng sau cuộc họp và ông khẳng định nó được quyết định dựa trên nhu cầu. “Dầu không phải là vũ khí chính trị, dầu không phải là một cái xe tăng. Bạn không thể chỉ nó vào ai đó và bắn. Dầu là hàng hóa”.
Mỹ mong muốn Saudi Arabia và các đối tác OPEC bơm thêm dầu để giúp hạ nhiệt chi phí xăng dầu và giảm tỷ lệ lạm phát của Mỹ, đang ở mức cao nhất trong vòng 40 năm qua.
Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) được coi là đã tăng sản lượng gần tối đa và khó có thể tăng thêm được nữa. Ngoài ra, họ không có động lực để tăng sản lượng.
Cả hai quốc gia này đều đang tận hưởng giá dầu cao hiện nay, đặc biệt là trong bối cảnh suy thoái kinh tế cũng như quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo sắp tới sẽ làm giảm nhu cầu dầu mỏ.