Paraguay chuẩn bị đưa ra luật tiền điện tử bao gồm khung thuế và các quy định chung dành cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Paraguay “mở đường” cho luật tiền điện tử
Ngày 14/7, Thượng viện Paraguay đã thông qua dự luật tiền điện tử, cụ thể là việc thiết lập hành lang pháp lý về thuế và các quy định chung dành cho các doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư.
Paraguay là đất nước tiềm năng cho việc áp dụng tiền điện tử do chi phí điện thấp và thuế tương đối “dễ thở”. Đây cũng là một trong số các quốc gia Mỹ Latinh đang tích cực khám phá các quy định về tài sản kỹ thuật số.
Chính phủ nước này đã nhận ra cơ hội và đã thúc đẩy luật mới về tài sản tiền mã hóa. Bước cuối cùng của Dự luật phải được Thượng viện phê chuẩn để đến tay Tổng thống Mario Abdo Benítez.
Vào tháng 7/2021, Thượng nghị sĩ Fernando Silva Facetti đã đề xuất luật về tiền điện tử với mong muốn Bộ công nghiệp và Thương mại (MIC) giám sát ngành.
Vào tháng 5/2022, dự luật điều chỉnh hoạt động kinh doanh, khai thác và lưu ký tiền điện tử đã được Quốc hội Paraguay thông qua. Dự luật liên quan cụ thể đến việc khai thác tiền điện tử, thương mại hóa giao dịch, chuyển nhượng, lưu ký và quản lý tài sản tiền mã hóa.
Theo hãng thông tấn trong nước, bắt đầu từ 14/7/2022, các công ty hoạt động trong ngành tiền mã hóa sẽ được nhà nước Paraguay đối xử công bằng với các công ty tài sản tài chính trong nghĩa vụ thuế. Trong đó có việc được miễn thuế VAT, khoản thu này sẽ tính vào thuế thu nhập.
Dự luật cũng yêu cầu các “thợ đào” cần phải có giấy phép, các hoạt động khai thác cần có báo cáo cụ thể về mức tiêu thụ điện năng cho Cơ quan năng lượng quốc gia (ANDE). Nếu doanh nghiệp nào gian lận, ANDE sẽ có quyền đình chỉ việc cung cấp điện.
Chi phí năng lượng khai thác tiền mã hóa của các “thợ đào” sẽ cao hơn 15% so với các ngành công nghiệp khác
Tuy nhiên dự luật về tiền điện tử vấp phải những khó khăn bởi những ý kiến phản đối.
Thượng nghị sĩ Enrique Bacchetta cho biết tiền mã hóa là 1 rủi ro và liệu rằng việc chấp thuận nó có thực sự tạo ra việc làm và thu nhập với người dân hay không.
Thậm chí Ngân hàng Trung ương Paraguay và Ủy ban ngân sách đều bày tỏ sự phản đối với các loại tiền mã hóa. Họ gọi phong trào này là “dự án rủi ro cao” đồng thời đặt nghi ngờ tiền mã hóa là loại tài sản giúp sức cho các tổ chức tội phạm và khiến chi phí điện tăng đột biến.
Trái chiều về dự luật tiền điện tử
Paraguay là quốc gia góp mặt trên bản đồ tiền điện tử. Không kể El Salvador là quốc gia coi tiền điện tử là tiền tệ chính thống, Nam Phi, cộng hòa Trung Phi, Ấn Độ, Mỹ và một số quốc gia EU đều có động thái gắt gao nhằm mục đích đưa tiền điện tử vào hành lang pháp lý.
Đây là một cách thức vừa hợp pháp hóa tiền điện tử, vừa ngăn chặn rủi ro của tài sản số.
Tại Nam Phi, tiền điện tử sẽ thuộc phạm vi của Đạo luật Tình báo Tài chính (FICA) – giám sát chống rửa tiền (AML) và tài trợ tiền cho khủng bố (CTF).
Tại Ấn Độ, Bộ Tài chính nước này đã công bố khoản khấu trừ thuế 1% tại nguồn (TDS) đối với tất cả các khoản chuyển nhượng tài sản tiền mã hóa trên một quy mô nhất định bắt đầu từ ngày 1/7/2022. Ngoài mức thuế TDS 1%, quy định mới về việc đánh thuế 30% đối với tiền mã hóa đã được Thượng viện Quốc hội Ấn Độ thông qua thành luật có hiệu lực bắt đầu từ ngày 1/4/2022.
Còn tại EU, EU sẽ xem xét thông qua đạo luật về tiền ảo, Bitcoin có nguy cơ bị cấm ở châu Âu. Trước mắt, tiền điện tử sẽ phải tuân theo các tiêu chuẩn bền vững về môi trường tối thiểu có trong dự thảo đạo luật MiCa.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 9/3 đã ký một sắc lệnh yêu cầu các cơ quan chính phủ xem xét rủi ro và lợi ích của tiền tiện tử.
Ông Biden yêu cầu Bộ Tài chính Mỹ đánh giá và đưa ra các khuyến nghị chính sách đối tới tiền ảo, đồng thời muốn các nhà lập pháp Mỹ phải đảm bảo sự giám sát để chống lại các rủi ro mà tài sản số ảnh hưởng đến thị trường tài chính truyền thống.
Các quan điểm và ý kiến được thể hiện bởi tác giả, hoặc bất kỳ người nào được đề cập trong bài viết này, chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin và chúng không cấu thành lời khuyên về tài chính, đầu tư hoặc các lời khuyên khác.