Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), quý II, xuất khẩu thủy sản cả nước đạt hơn 3,2 tỷ USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng, kim ngạch xuất khẩu đạt 5,8 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt 2,3 tỷ USD, tăng 33%; xuất khẩu cá tra đạt 1,4 tỷ USD, tăng 83% so với nửa đầu năm 2021.
Bối cảnh thuận lợi đã giúp hàng loạt doanh nghiệp thủy sản báo lãi tăng mạnh quý II và nửa đầu năm, có đơn vị lập kỷ lục mới.
Thực phẩm Sao Ta ( HoSE: FMC ) – đơn vị thành viên Tập đoàn PAN ( HoSE: PAN ) công bố doanh thu quý II đạt 1.411 tỷ đồng, tăng 22%; lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ 114 tỷ đồng, tăng 50% và ghi nhận mức kỷ lục trong lịch sử hoạt động. Lũy kế 6 tháng, doanh nghiệp tôm ghi nhận doanh thu tăng 29% lên 2.738 tỷ đồng, lãi ròng tăng 42% đạt 161 tỷ đồng.
Doanh nghiệp lý giải lợi nhuận tăng chủ yếu nhờ thu hoạch dứt điểm tôm tự nuôi vụ đầu tiên trong năm làm giá vốn giảm. Biên lợi nhuận quý II tăng từ 8,8% lên 11,7% và 6 tháng tăng từ 8,3% lên 10,3%.
Một doanh nghiệp thủy sản khác thuộc Tập đoàn PAN là Xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre (Aquatex Bentre, HoSE: ABT ) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh đột biến quý II. Cụ thể, doanh thu đạt 178 tỷ đồng, gấp 2,3 lần; lãi ròng 32 tỷ đồng, gấp nhiều lần con số 1,1 tỷ cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng, doanh thu gấp 2,2 lần lên 312 tỷ đồng, lãi ròng gấp đôi lên 39,5 tỷ đồng.
Công ty cho biết hoạt động kinh doanh trong quý có nhiều điểm khởi sắc như giá bán tăng nhẹ, việc đầu tư thêm nhiều máy móc thiết bị hiện đại, tự động hóa nhiều khâu giúp giá thành sản phẩm giảm. Đồng thời, trong quý công ty cũng nhận về khoản cổ tức từ Sao Ta hơn 16 tỷ đồng giúp doanh thu tài chính tăng mạnh.
Doanh nghiệp cá tra Vĩnh Hoàn ( HoSE: VHC ) công bố doanh thu hợp nhất quý II đạt 4.226 tỷ đồng, tăng 80,4%; lãi ròng 784 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ năm trước và thiết lập kỷ lục mới. Nửa đầu năm, doanh thu đạt 7.494 tỷ đồng, tăng 81%; lãi ròng 1.332 tỷ đồng, gấp 3,4 lần.
Theo doanh nghiệp, sản lượng và giá bán đều tăng là động lực giúp lợi nhuận quý II cũng như nửa đầu năm tăng cao. Hầu hết các thị trường xuất khẩu chính của Vĩnh Hoàn đều phục hồi tốt trong nửa đầu năm, đặc biệt là thị trường Mỹ. Giá xuất khẩu cá tra vào Mỹ cũng lập đỉnh 5 USD/kg, cao hơn gần 2 USD có với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp công ty cá tra cải thiện mạnh từ 18,45% lên 25,95% quý II và từ 17,06% lên 25,02% xét trong 6 tháng.
Tương tự, Thủy sản Nam Việt ( HoSE: ANV ) công bố sản lượng và giá bán cùng tăng giúp doanh thu quý II đạt 1.294 tỷ đồng, tăng 20%; lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 241 tỷ đồng, gấp 10 lần cùng kỳ năm trước. 6 tháng, doanh thu đạt 2.514 tỷ đồng, tăng 40%; lãi ròng 447 tỷ đồng, gấp 5 lần.
Ngoài ra, Thủy sản Mekong ( HoSE: AAM ) ghi nhận lợi nhuận quý II đạt 8,8 tỷ đồng, cải thiện so với mức lỗ 3 tỷ cùng kỳ năm trước. Nửa đầu năm, doanh nghiệp chuyển từ lỗ 4,2 tỷ đồng sang lãi 10,9 tỷ đồng.
Theo SSI Research, bên cạnh nhu cầu mạnh mẽ và phục hồi từ các thị trường xuất khẩu lớn, động lực cho tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu thủy sản nửa đầu năm còn đến từ các đơn đặt hàng bị dồn nén do hạn chế sản xuất trong nửa cuối năm 2021 trước ảnh hưởng giãn cách xã hội tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhu cầu đã có dấu hiệu chững lại kể từ tháng 5, do lượng hàng tồn kho tại các thị trường xuất khẩu ở mức cao. Theo VASEP, tồn kho tại trị trường Mỹ đã ở mức cao. Kết hợp với lạm phát, dự báo tăng trưởng xuất khẩu thủy sản giảm tốc trong quý III.
|
Xuất khẩu thủy sản quý III dự kiến giảm tốc. |
Các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vẫn kỳ vọng nhu cầu sẽ tăng nhanh trong tháng 9, ngay trước kỳ nghỉ lễ từ tháng 11 đến tháng 12.
Đối với mảng tôm, giá bán bình quân của tôm thẻ chân trắng Việt Nam đã cao hơn Ấn Độ và Ecuador tại thị trường Mỹ, nên các doanh nghiệp xuất khẩu khó có thể giữ giá bán bình quân của tôm cao như mức giá trong nửa đầu năm 2022. Điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp chế biến tôm vốn lấy thị trường Mỹ là thị trường xuất khẩu chính, giá tôm nguyên liệu dự kiến cao hơn trong nửa cuối năm 2022 do nguồn cung thiếu hụt khi dịch bệnh bùng phát.