Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk – HoSE: VNM) công bố kết quả kinh doanh Quý II và 6 tháng đầu năm. Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế hợp nhất lần lượt đạt 14.930 tỷ đồng và 2.102 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, Vinamilk ghi nhận tổng doanh thu đạt 28.900 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 4.386 tỷ đồng, lần lượt hoàn thành 45,1% và 44,9% kế hoạch năm.
TÓM TẮT KẾT QUẢ KINH DOANH HỢP NHẤT QUÝ II VÀ 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2022
Biên lợi nhuận gộp Quý II/2022 được cải thiện
Biên lợi nhuận gộp hợp nhất Quý II/2022 đạt 40,7%, cao hơn 20 điểm cơ bản so với Quý I/2022, cho thấy sự hồi phục sau 7 quý, kể từ Quý IV/2020. Tính riêng mảng nội địa, biên lợi nhuận gộp đã mở rộng 70 điểm cơ bản nhờ (1) Yếu tố mùa vụ khi tiêu thụ sữa trong quý hè cao hơn quý đầu năm, (2) Giá bán đã được điều chỉnh, (3) Biên lợi nhuận gộp của dòng sản phẩm Sữa tươi 100% cải thiện so với cùng kỳ, là thành quả của chiến lược đầu đầu tư mạnh mẽ của Vinamilk cho hệ thống trang trại bò sữa.
Quý II/2022, công ty cũng giới thiệu các sản phẩm mới như Sữa nước ADM ngũ cốc, Sữa công thức trẻ em Pedia Kenji và Sữa hạt Super Nut… Đặc biệt là Sữa tươi Vinamilk Green Farm được đầu tư mạnh mẽ nhằm nắm bắt xu hướng tiêu dùng bền vững.
Biên lợi nhuận gộp nội địa Quý II/2022 phục hồi sau 1,5 năm chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan
Trong các quý tiếp theo, Công ty dự kiến biên lợi nhuận gộp tiếp tục duy trì và cải thiện nhờ giá một số nguyên vật liệu chính đầu vào cho thấy dấu hiệu tạo đỉnh. Theo Robobank, tình trạng dư cung tại Trung Quốc – quốc gia nhập khẩu sữa lớn nhất – khi nguồn cung sữa nội địa tăng mạnh đã khiến nhu cầu nhập khẩu sữa giảm và là lý do chính dẫn đến việc điều chỉnh của giá nguyên liệu sữa toàn cầu trong thời gian gần đây.
Giá sữa bột gầy có xu hướng giảm sau khi tạo đỉnh từ tháng 4/2022. Ảnh: Global Dairy Trade
Kênh hiện đại đóng góp tích cực, nổi bật với hệ thống cửa hàng Giấc mơ sữa Việt và kênh thương mại điện tử
Trong cơ cấu tổng doanh thu, kênh truyền thống vẫn đóng vai trò chủ đạo nhưng kênh hiện đại ngày càng cho thấy sự đóng góp, tăng trưởng trong cơ cấu tổng doanh thu. Cụ thể, kênh hiện đại tăng trưởng hơn 6% nhờ Vinamilk duy trì hợp tác chặt chẽ với các đối tác siêu thị, cửa hàng tiện lợi, do đó hưởng lợi khi các đối tác này gia tăng số lượng điểm bán. Bên cạnh đó, sự thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng từ kênh truyền thống sang hiện đại cũng là một nhân tố hỗ trợ cho sự phát triển.
Đáng chú ý, hệ thống cửa hàng Giấc mơ sữa Việt và kênh thương mại điện tử tăng trưởng hơn 25%. Chỉ trong Quý II/2022, Vinamilk đã mở mới 37 cửa hàng và đưa tổng số cửa hàng lên 651. Công ty cũng đang triển khai dự án chuyển đổi số cho các kênh bán hàng trực tuyến nhằm hiểu rõ hơn nhu cầu của người tiêu dùng và qua đó có thể “may đo” các sản phẩm và dịch vụ phù hợp nhất. Trong tương lai, đại diện doanh nghiệp cho biết các cửa hàng và kênh trực tuyến sẽ được gắn kết sâu rộng hơn để mang đến trải nghiệm tiện lợi hơn cho khách hàng.
Tích cực phát huy thế mạnh ở kênh truyền thống, phát huy tiềm năng kênh hiện đại song song cải tiến, nâng cao giá trị sản phẩm giúp sản phẩm Vinamilk luôn có mặt tại các kệ hàng lớn nhỏ, dễ dàng tiếp cận với người tiêu dùng. Trong báo cáo Dấu chân thương hiệu mới đây, Vinamilk lại một lần nữa được vinh danh ở hạng mục Thương hiệu sữa được chọn mua nhiều nhất, năm thứ 11 liên tiếp, cho thấy độ phủ sóng cũng như niềm tin của người tiêu dùng toàn quốc đối với thương hiệu này.
Hệ thống cửa hàng Giấc mơ sữa Việt được Vinamilk đầu tư mạnh mẽ trong những năm gần đây |
Kênh thương mại điện tử ngày càng phát triển theo thói quen mua sắm của người tiêu dùng |
Điểm sáng tăng trưởng Quý II/2022 thuộc về chi nhánh nước ngoài
Thị trường Nước ngoài ghi nhận doanh thu thuần 2.459 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ 2021. Trong đó, xuất khẩu trực tiếp vẫn đóng vai trò chính, mang về nguồn thu 1.415 tỷ đồng. Đáng chú ý, các chi nhánh nước ngoài ghi nhận doanh thu thuần 1.045 tỷ đồng, tiếp tục tăng mạnh 21,7% so với cùng kỳ. Động lực tăng trưởng đến từ cả 2 công ty con tại nước ngoài, cụ thể Driftwood và Angkormilk đạt mức tăng trưởng lần lượt 40% và 20%. Việc sở hữu cơ sở sản xuất địa phương tại các quốc gia này giúp Công ty tiết kiệm chi phí vận chuyển và do đó giá thành sản phẩm đến tay người tiêu dùng cũng như sức mua ổn định hơn so với xuất khẩu trực tiếp.
Nhà máy sữa Driftwood tại bang California, Mỹ
Hiện tại, Vinamilk đang sở hữu 5 công ty thành viên tại nước ngoài, gồm Miraka Holdings Limited (New Zealand); Driftwood Dairy Holdings Corporation (Mỹ); Angkor Dairy Products Co.,Ltd. (Campuchia), Lao-Jagro Development XiengKhouang Co.,Ltd. (Lào), Del Monte Vinamilk Dairy Philippines Inc. (Philippines).