Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN kiến nghị được đầu tư gần 20 tỷ USD vào dự án tổ hợp lọc hoá dầu, kho dự trữ tại Bà Rịa – Vũng Tàu.
Đề xuất xây dựng tổ hợp lọc, dự trữ dầu
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã gửi đề xuất của mình lên Chính phủ, kiến nghị được đầu tư, xây dựng tổ hợp lọc hoá dầu và kho dự trữ dầu thô, xăng dầu quốc gia. Dự án này chia là 2 giai đoạn, tổng vốn đầu tư trong khoảng từ 17-18,5 tỷ USD. Vốn đầu tư giai đoạn 1 chiếm khoảng 70%.
Theo tính toán của PVN, mỗi năm Việt Nam sẽ thiếu khoảng 19,5 triệu tấn xăng dầu cho tiêu dùng trong nước vào năm 2030. Đến năm 2045, con số này tăng lên 49 triệu tấn. Còn hiện nay, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước rơi vào khoảng 18 triệu tấn/năm, năm 2025 tăng lên 25 triệu tấn, năm 2030 là 33 triệu tấn.
Trong khi đó, hiện sản lượng từ 2 nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn ở mức 12,2 triệu tấn/năm, đến năm 2025, sau khi nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất thì sản lượng nâng lên khoảng 13,5 triệu tấn. Dù vậy, sản lượng chỉ đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu tiêu dùng trong nước, phần còn lại vẫn phải nhập khẩu.
Trong 3-7 năm tới, sản phẩm hóa dầu của Việt Nam sẽ thiếu khoảng 7,2-12 triệu tấn. Tỷ lệ thiếu hụt mỗi năm sau đó sẽ tăng bình quân ở mức 3-6%.
Hiện nay, mức dự trữ xăng dầu của Việt Nam còn thấp, đáp ứng được trong khoảng 5-7 ngày tiêu dùng, do đó bị phụ thuộc phần lớn vào sự ổn định sản xuất cũng như nguồn xăng dầu nhập khẩu. Việt Nam mỗi năm vẫn phải bỏ ra hàng tỷ USD nhập khẩu các sản phẩm lọc hoá dầu, xăng dầu.
Trong khi đó, vận hành của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn không ổn định, hạn chế khả năng dự trữ xăng dầu trong nước… PVN cho rằng, rất cần thiết đầu tư thêm một tổ hợp lọc hoá dầu và kho dự trữ dầu quốc gia tại miền Nam.
Lý do PVN đề xuất xây dựng tổ hợp ở Bà Rịa – Vũng Tàu
Phó thủ tướng Lê Văn Thành trước đó từng đề cập đến việc, Việt Nam cần tự chủ nguồn cung xăng dầu trong nước cũng như có thêm nhà máy lọc dầu quy mô lớn ở khụ vực miền Nam tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vào hồi tháng 3 năm nay.
Khu vực phía Nam là nơi tiêu thụ nhiều nhất các sản phẩm hoá dầu, chiếm 45% thị trường cả nước nhưng lại chưa có bất cứ nhà máy lọc dầu nào ở đây nên PVN đề xuất dự kiến xây dựng tổ hợp này tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Nơi dự kiến đặt tổ hợp này là khu công nghiệp khí Long Sơn đã có quy hoạch xây dựng kho ngầm dự trữ quốc gia dầu thô, sản phẩm xăng dầu. Do đó, việc kết hợp đầu tư, xây dựng nhà máy lọc hoá dầu ở đây sẽ giúp tiết kiệm chi phí, nguồn lực, đồng thời đảm bảo nhu cầu dự trữ năng lượng quốc gia.
Dầu thô, khí, condensate trong nước sẽ được sử dụng tối đa làm nguyên liệu sản xuất cho tổ hợp lọc hóa dầu. Nếu thiếu nguyên liệu dầu thô thì sẽ thực hiện nhập khẩu từ Trung Đông, Mỹ… tuỳ theo quy mô công suất.
Trong giai đoạn 1, mỗi năm, dự án tổ hợp lọc hoá dầu hoạt động với công suất 12-13 triệu tấn dầu thô; 0,66 triệu tấn condensate và một số sản phẩm khác LPG, Ethane… Dự án cũng sẽ sản xuất 7-9 triệu tấn xăng dầu một năm và 2-3 triệu tấn hoá dầu trong giai đoạn này. Ở giai đoạn 2, nếu sự chuyển dịch năng lượng xảy ra mạnh mẽ sẽ xem xét giảm sản phẩm xăng dầu và tăng sản lượng sản phẩm hoá dầu.
Giai đoạn 2, PVN sẽ đầu tư bổ sung, chuyển cơ cấu sản phẩm theo hướng tăng sản phẩm hoá dầu. Trong đó, công suất dầu thô, condensate sẽ tương tự như giai đoạn 1. Đồng thời, sản phẩm xăng dầu sẽ giảm về 3-5 triệu tấn/năm, tăng sản phẩm hoá dầu 5,5 – 7,5 triệu tấn/năm.
Theo dự kiến, kho dự trữ dầu thô, xăng dầu quốc gia sẽ có công suất 1 triệu tấn/năm; kho sản phẩm xăng dầu 500.000 m3/năm.
Thông tin từ PVN cho thấy, theo dự kiến, tháng 1/2023 là thời điểm đủ điều kiện hồ sơ để đề nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư. Các bước lập báo cáo nghiên cứu mức khả thi, phê duyệt quyết định sẽ thực hiện trong 2023-2024. Dự kiến xây dựng dự án trong 3 năm và sẽ hoàn thành vào 2027.