Lạm phát đã và đang tàn phá ngân sách của mọi người. Theo một nghiên cứu, tại Mỹ, cứ 3 gia đình thì có 1 gia đình phải hủy kế hoạch đi du lịch.
Theo một cuộc khảo sát gần đây của State Street Global Advisors, cứ ba gia đình thì có một gia đình đã hủy kế hoạch đi nghỉ do lạm phát cao hơn. Và khoảng một nửa trong số những người được khảo sát cũng đã thay đổi hành vi mua hàng, mua hàng hóa khác, giá rẻ hơn hoặc cắt bỏ phần nào đó hoạt động giải trí.
Sự gia tăng của lạm phát cũng đã gieo rắc nỗi sợ hãi cho những người tham gia thị trường chứng khoán.
Báo cáo của State Street cho thấy 51% nhà đầu tư được khảo sát cắt giảm chi tiêu (bao gồm ăn uống và giải trí), 35% chi tiêu ít hơn cho các kỳ nghỉ hoặc trì hoãn khoản chi lớn và 29% cắt giảm các chi phí thiết yếu như đồ dùng tạp hóa và xăng dầu. Ngoài ra, 47% nhà đầu tư đồng ý rằng thời kỳ hiện tại đang khiến họ căng thẳng và lo lắng và 49% nghĩ rằng lạm phát vẫn chưa đạt đỉnh.
Lạm phát đã giảm nhẹ vào tháng 7 nhưng vẫn giữ ở mức gần mức cao nhất trong 4 thập kỷ ngay cả khi giá khí đốt giảm và chuỗi cung ứng được cải thiện. Chiến dịch đẩy lùi lạm phát nhanh nhất trong nhiều thập kỷ tại Mỹ sẽ được thực hiện nhưng cái giá phải trả là “sự đau đớn” của người lao động và tăng trưởng kinh tế.
Trong bài phát biểu thường niên về chính sách tiền tệ tại hội nghị của Fed ở Jackson Hole, Wyoming, ông Powell khẳng định Fed sẽ “sử dụng các công cụ của chúng tôi một cách mạnh mẽ” để chống lại lạm phát đang ở gần mức cao nhất hơn 40 năm ở Mỹ và cảnh báo nỗi đau tài chính sẽ cứa vào da thịt người lao động Mỹ.
“Lãi suất tăng lên, lạm phát giảm xuống, và các điều kiện trên thị trường lao động yếu đi sẽ kéo lạm phát xuống, nhưng cũng sẽ mang đến một chút đau cho các hộ gia đình và doanh nghiệp”, ông Powell nói trong bài phát biểu được giới đầu tư toàn cầu dõi theo. “Đây là những tổn thất không mong muốn của việc giảm lạm phát. Nhưng thất bại trong việc lập lại ổn định giá cả còn đồng nghĩa với nỗi đau lớn hơn”.