Hoạt động thu hút vốn nước ngoài của TP HCM trong 8 tháng đầu năm có mức tăng trưởng hơn 24%, cao nhất trong 5 năm gần đây.
Top 3 tỉnh thu hút vốn nước ngoài cao nhất cả nước
Chiều 30/8 đã diễn ra cuộc họp về tình hình kinh tế – xã hội tháng 8, 8 tháng đầu năm; nhiệm vụ – giải pháp tháng 9 năm 2022 của UBND TP HCM.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trong 8 tháng đầu năm đạt gần 16,8 tỉ đô la Mỹ, so với cùng kỳ năm ngoái bằng 87,7%.
Theo dữ liệu được Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM Lê Thị Huỳnh Mai cung cấp trong cuộc họp thì TP HCM thu hút được khoảng 2,71 tỉ đô la, tính chung cả vốn từ dự án FDI mới và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước. So với cùng kỳ năm ngoái, con số này tăng 24,4%.
Số dự án đầu tư nước ngoài mới được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là gần 480, tổng vốn đầu tư đăng ký là 309,4 triệu USD. Tương đương với mức tăng 24,1% số dự án cấp mới và giảm 17,6% vốn đầu tư so với cùng kỳ.
Số lượng dự án được cấp phép từ các năm trước nhưng thực hiện điều chỉnh vốn đầu tư là 96, số vốn tăng thêm là 1,47 tỉ đô la, tăng 127,3% so với cùng kỳ.
TP HCM đồng thời chấp thuận cho 1.632 nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, vốn góp đăng ký là hơn 925 triệu đô la.
Nói về kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài của TP HCM, Cục trưởng cục Thống kê TP HCM Nguyễn Khắc Hoàng cho biết, đây là mức cao nhất trong 5 năm gần đây.
Nhờ kết quả này, TP HCM trở thành địa phương dẫn đầu cả nước trong việc thu hút vốn ngoại trong 8 tháng đầu năm 2022, chiếm 16,1% tổng vốn đầu tư đăng ký. Xếp vị trí thứ 2 là Bình Dương với tổng vốn đầu tư là gần 2,64 tỉ đô la, chiếm 15,7% tổng vốn, tăng 57,9% so với cùng kỳ. Xếp thứ 3 là Bắc Ninh với tổng vốn đầu tư đăng ký là gần 1,75 tỉ đô la, chiếm 10,4% tổng vốn…
Nhưng đầu tư của doanh nghiệp trong nước trong 8 tháng lại giảm 8,23% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 703.553 tỉ đồng. Trong đó, 29.224 doanh nghiệp mới được cấp phép thành lập với tổng số vốn đăng ký là 346.887 tỉ đồng. Về số lượng so với cùng kỳ tăng 33,41% nhưng lại giảm 5,42% về vốn đăng ký.
Cùng thời gian này, số lượt doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh là 82.176 lượt. Trong đó vốn điều chỉnh bổ sung tăng 356.666 tỉ đồng, so với cùng kỳ giảm 10,81%.
Ông Hoàng cho rằng, điều này phản ánh vốn đăng ký với quy mô doanh nghiệp trong nước còn nhỏ, gặp nhiều khó khăn. Có gần 2.930 doanh nghiệp của thành phố đã hoàn tất thủ tục giải thể tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, so với cùng kỳ giảm 0,17%; số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tăng 42,38% so với cùng kỳ, ở mức 17.443; số doanh nghiệp hoạt động trở lại tăng 18,9% so với cùng kỳ, ở mức 10.895.
Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 8 tháng năm 2022 đạt 3.638,4 ngàn tỉ
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa dữ liệu cho thấy, tính chung 8 tháng, có 101,3 ngàn doanh nghiệp trên cả nước đăng ký thành lập, tổng số vốn đăng ký là gần 1.136,3 ngàn tỉ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 24,2% về số doanh nghiệp và tăng 0,3% về vốn đăng ký.
Trong 8 tháng, tổng số doanh nghiệp mới thành lập và quay trở lại hoạt động trên cả nước tăng 31,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 150.000 doanh nghiệp.
Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 8 tháng năm 2022 nếu tính cả 2.502,1 ngàn tỉ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 35,1 ngàn lượt doanh nghiệp tăng vốn là 3.638,4 ngàn tỉ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 36,1%.
Nhưng cùng thời gian trên, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái, ở mức 104.300 doanh nghiệp.