Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ấn Độ đã vượt qua Anh để trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới. Đây là lần thứ 2 Ấn Độ vượt Vương quốc Anh về quy mô nền kinh tế.
Ấn Độ trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới
Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ấn Độ đã vượt qua Vương quốc Anh (UK) để trở thành nền kinh tế lớn thứ năm trên thế giới trong quý cuối cùng của năm 2021. Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức là những quốc gia duy nhất có nền kinh tế lớn hơn Ấn Độ. Hơn 10 năm về trước, Ấn Độ là nước lớn thứ 11. Năm 2019, Ấn Độ đã vượt qua Anh và Pháp để trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới.
Vào tháng 3, quy mô nền kinh tế Ấn Độ lên tới 854,7 tỷ USD và nền kinh tế Anh là 816 tỷ USD. Những con số này được tính toán bằng cơ sở dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và dữ liệu về tỷ giá hối đoái của Bloomberg.
Uday Kotak, Giám đốc điều hành (CEO), Ngân hàng Kotak Mahindra, đăng tweet chúc mừng trên Twitter, “Khoảnh khắc đáng tự hào khi Ấn Độ vượt Vương quốc Anh và trở thành nền kinh tế lớn thứ 5.”
Charan Singh, nhà kinh tế và giám đốc điều hành của EGROW cho biết: “Chúng tôi đã vượt Vương quốc Anh về số liệu GDP vào năm 2022. Đến năm 2027, chúng tôi sẽ cao hơn họ nhiều về hiệu quả kinh tế. Nền kinh tế của Vương quốc Anh đang thu hẹp còn nền kinh tế của Ấn Độ đang bùng nổ”.
“Trong khi thế giới đang trên bờ vực suy thoái, thì Ấn Độ đang tăng trưởng 7%. Lạm phát ở Anh là 10%, ở Mỹ là 9% trong khi ở Ấn Độ ở mức 6-7% – con số bình thường. Đó là một tin tốt cho tất cả người dân Ấn Độ trước lễ hội Diwali”.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh ngày 26/8 khẳng định nền kinh tế nước này đã phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19 và chắc chắn sẽ trở thành một trong ba nền kinh tế hàng đầu thế giới vào năm 2047.
Mặc dù Ấn Độ vượt qua Vương quốc Anh về quy mô nền kinh tế nhưng thu nhập bình quân đầu người ở Ấn Độ vẫn rất thấp. Thu nhập bình quân trên đầu người là chỉ tiêu về kinh tế – xã hội để phản ánh về mức thu nhập, cơ cấu thu nhập từ các tầng lớp của dân cư. Đây cũng là chỉ tiêu để đánh giá về mức sống, tỷ lệ giàu nghèo từ đó làm cơ sở để đưa ra các chính sách với mục đích nâng cao mức sống của người dân. Ấn Độ chỉ xếp hạng 122/190 quốc gia.