Hãng thông tấn nhà nước Nga Tass cho biết do không thể tiếp cận với đô la hoặc euro, quốc gia này đang chuyển sang sử dụng stablecoin để thực hiện thanh toán với “các quốc gia thân thiện”.
Nga đang thúc đẩy chiến lược tiền điện tử của mình để vượt qua các lệnh trừng phạt của phương Tây. Thứ trưởng Bộ Tài chính Alexey Moiseyev mới đây cho biết nước này đang khai thác stablecoin để thực hiện thanh toán với “các quốc gia thân thiện”, theo hãng thông tấn nhà nước Nga Tass. Tass không nêu rõ tên các quốc gia nào trong cuộc thảo luận này.
Ông Alexey Moiseyev tuyên bố, “Chúng tôi sẽ cung cấp các công cụ mã hóa được chấp nhận lẫn nhau và sử dụng trên các nền tảng này. Về cơ bản đây là các công cụ thanh toán bù trừ mà chúng tôi hiện đang phát triển cùng các quốc gia thân thiện với Nga.”
Stablecoin là một loại tiền điện tử neo đậu giá với một tài sản khác, như đô la hoặc vàng. Chúng được thiết kế để ổn định, không biến động mạnh giống như Bitcoin hoặc các tài sản kỹ thuật số khác. Các stablecoin hàng đầu của thị trường tiền điện tử được phát hành bởi các công ty tập trung, chẳng hạn như USDT của Tether và USDC của Circle.
Những đồng tiền này thường được các nhà giao dịch tiền điện tử sử dụng để nhanh chóng vào ra các vị thế trong các đồng tiền hoặc token khác mà không cần phải chuyển đổi sang tiền tệ fiat như USD hoặc khi quyền tiếp cận đô la bị hạn chế hoặc bị cấm.
Ngoài ra, Bộ Tài chính hy vọng sẽ giải quyết các vấn đề liên quan đến thanh toán xuyên biên giới bằng tiền điện tử trong mùa thu này.
Nga trước đây đã thể hiện lập trường cứng rắn đối tiền kỹ thuật số khi Tổng thống Vladimir Putin phê duyệt dự luật cấm sử dụng các loại tài sản kỹ thuật số làm hình thức thanh toán tại Nga ngày 15/7. Ngân hàng Trung ương Nga cũng đang trong quá trình phát triển đồng rúp kỹ thuật số.
Tuy nhiên, lập trường chỉ trích gay gắt từ Ngân hàng Trung ương Nga đã phần nào có chuyển biến tích cực thông qua động thái đánh giá lại chính sách của cơ quan bằng việc bổ sung ngân hàng cho vay lớn nhất của đất nước Sberbank vào sổ đăng ký các nhà khai thác hệ thống thông tin cho tài sản tài chính kỹ thuật số. Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương Nga đã đồng ý rằng trong môi trường hiện tại, Nga “không thể làm gì nếu không có các phương thức thanh toán xuyên biên giới bằng tiền điện tử”.
Phương Tây và Mỹ đã trừng phạt Nga nặng nề sau khi xung đột Nga- Ukraine diễn ra vào tháng 2. Khả năng tiếp cận thị trường đồng đô la và đồng euro của Nga hiện bị hạn chế và điều này đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế của đất nước.