Để giảm lo ngại về cuộc khủng hoảng của ‘quả bom nợ’ Evergrande, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) liên tục bơm tiền vào thị trường.
Lo lắng mang tên Evergrande
PBOC đã bơm vào 110 tỷ nhân dân tệ (17 tỷ USD) với các thỏa thuận mua lại đảo ngược (reverse repo) 7 ngày và 14 ngày. Đây là khoản bổ sung lớn nhất thông qua các hoạt động thị trường mở kể từ cuối tháng 1, khi một đợt siết vốn khiến lãi suất liên ngân hàng tăng vọt.
Trước hôm nay (23/9), PBOC đã bơm thanh khoản trong ba phiên liên tiếp. Động thái này làm dấy lên hy vọng rằng Bắc Kinh sẽ xoa dịu sự căng thẳng của thị trường đối với Evergrande.
Nhu cầu giúp xoa dịu những xáo trộn của thị trường đang trở nên cấp thiết trong bối cảnh những lo ngại về khả năng giải quyết các khoản nợ của Evergrande đã lan sang các thị trường toàn cầu. Các nhà đầu tư đang tập trung theo dõi liệu nhà phát triển bất động sản này có thể thanh toán 83,5 triệu USD tiền lãi trái phiếu 5 năm đến hạn phải trả trong hôm nay hay không. Khoản lãi này là một phần trong số lãi 668 triệu USD đến hạn phải trả cuối năm nay của Evergrande.
Đầu phiên giao dịch hôm nay trên thị trường Hong Kong, cổ phiếu của “quả bom nợ” này đã tăng tới 32% – mức cao nhất kể từ năm 2009. Đà tăng này nhờ nhà đầu tư tin tưởng Evergrande sẽ giải quyết được cuộc khủng hoảng tài chính này. Một trong các doanh nghiệp của nhà phát triển bất động sản này đã thương lượng trả lãi trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ.
Bên cạnh nỗ lực giảm bớt lo ngại của thị trường về Evergrande, các nhà chức trách cũng có xu hướng nới lỏng khả năng thanh khoản vào cuối quý năm do nhu cầu tiền mặt từ các ngân hàng tăng lên để đáp ứng các cuộc kiểm tra. Các nhà băng cũng cần tích trữ nhiều tiền hơn trước kỳ nghỉ một tuần vào đầu tháng 10.
Vì đâu nên lỗi
Evergrande được ông Xu Jiayin (tên theo tiếng Quảng Đông là Hui Ka Yan) thành lập vào năm 1996, và dần trở thành một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc. Công ty cũng có mặt trong danh sách Global 500 – tức thuộc nhóm 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới tính theo doanh thu.
Evergrande gầy dựng tiếng tăm trong lĩnh vực bất động sản và từng tự hào về thành tích “sở hữu hơn 1.300 dự án tại hơn 280 thành phố” trên khắp Trung Quốc, với lợi ích còn vượt xa hơn thế.
Ngoài nhà ở, công ty còn đầu tư vào xe điện, thể thao và công viên giải trí. Họ thậm chí còn sở hữu một doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống, bán nước đóng chai, hàng tạp hóa, sản phẩm sữa và các hàng hóa khác trên khắp Trung Quốc.
Năm 2010, họ mua một đội bóng đá, hiện được gọi là Guangzhou Evergrande. Kể từ đó, đội bóng đã xây dựng nơi được cho là trường dạy bóng đá lớn nhất thế giới, với chi phí 185 triệu USD; lên kế hoạch xây sân vận động bóng đá lớn nhất thế giới, trị giá 1,7 tỷ USD (dự kiến hoàn thành vào năm tới) có thể chứa 100.000 khán giả.
Những năm gần đây, các khoản nợ của Evergrande tăng lên khi công ty này đi vay để tài trợ cho các mục đích khác nhau của mình. Mattie Bekink, Giám đốc Trung Quốc của Economist Intelligence Unit, cho biết tập đoàn đã “đi xa khỏi lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của mình, đó là một phần nguyên nhân khiến họ rơi vào tình trạng lộn xộn này”.
Năm 2018, Chủ tịch Hui Ka Yan đã bỏ ra một tỷ USD tiền mặt để mua vào loại trái phiếu trả lãi 13% của Evergrande khi nó đang ế ẩm. Công ty ngày càng dựa vào các khoản nợ ngắn hạn, thường với chi phí ngày càng cao, để tài trợ cho một mô hình kinh doanh dựa vào vay tiền để phát triển bất động sản và bán chúng nhiều năm trước khi hoàn thành.
Khi các cơ quan quản lý đẩy mạnh chiến dịch chống lại đòn bẩy cao bằng chính sách “3 lằn ranh” (với 3 quy định) vào tháng 8/2020, những vết nứt lớn đầu tiên bắt đầu xuất hiện trong hoạt động kinh doanh của họ. Nhà chức trách đã hạn chế khả năng tiếp tục tích lũy nợ của các chủ đầu tư với 3 quy định: giới hạn tỷ lệ nợ phải trả trên tài sản phải dưới 70%, tỷ lệ nợ ròng trên vốn chủ sở hữu dưới 100% và mức tiền mặt ít nhất phải tương đương với số nợ ngắn hạn.
Tính đến cuối tháng 6, Evergrande có khoản nợ gần 2.000 tỷ nhân dân tệ trên sổ sách (khoảng 300 tỷ USD), cộng với số nợ ngoài sổ sách chưa xác định. Họ có 778 dự án đang được triển khai tại 223 thành phố ở Trung Quốc, cũng như cổ phần trong các doanh nghiệp xe điện, nước đóng chai. Nhưng đến cuối tháng 6, công ty chỉ có còn 87 tỷ nhân dân tệ tiền mặt.
Cũng như tài sản của mình, nợ phải trả của Evergrande là 1,97 tỷ nhân dân tệ đang ở Trung Quốc. Họ nợ các ngân hàng trong nước và các trái chủ và đảm bảo một số sản phẩm quản lý tài sản. Trên thị trường nước ngoài, họ nợ khoảng 20 tỷ USD.