UBCK lên tiếng về việc Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị bắt
Trước khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam với bà Trương Mỹ Lan – Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, trên thị trường đã lan truyền các thông tin tiêu cực ảnh hưởng lớn tới tâm lý nhà đầu tư.
Thị trường chứng khoán đã đón nhận làn sóng bán tháo của nhà đầu tư trong phiên giao dịch cuối tuần 07/10 khiến các chỉ số chính của giảm sâu. VN-Index có thời điểm giảm tới gần 52 điểm, trước khi phục hồi nhẹ, đóng cửa ở mức 1.035,91 điểm, ghi nhận mức giảm 38,61 điểm, tương đương hơn 3,59%. Chỉ số HNX-Index cũng giảm 9,04 điểm (-3,84%), đóng cửa ở mức 226.09 điểm. Như vậy, trong cả tuần qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã rơi gần 9%, kéo các chỉ số chính về vùng thấp nhất 2 năm.
Ngày 08/10, Uỷ ban Chứng khoán đã đưa ra thông báo chính thức:
“Ngày 08/10/2022, Bộ Công an công bố thông tin về việc ngày 7/10/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan; đồng thời, ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với Trương Mỹ Lan và 03 bị can đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, do có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định của pháp luật để chiếm đoạt tiền của người dân trong giai đoạn 2018 – 2019.
Về việc này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) thông tin như sau:
Vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan là vụ việc liên quan trực tiếp tới một số cá nhân tại một số doanh nghiệp cụ thể và được xử lý theo pháp luật hình sự. Do vậy, mức độ sai phạm và biện pháp xử lý sẽ được các cơ quan chức năng có liên quan tiếp tục làm rõ theo đúng trình tự và quy định của pháp luật.
UBCKNN khẳng định thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được vận hành và hoạt động bình thường. Chính phủ, Bộ Tài chính và các cơ quan quản lý đã, đang chỉ đạo sát sao để tập trung các giải pháp hỗ trợ TTCK phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững. UBCKNN khuyến cáo các nhà đầu tư cần bình tĩnh, phân tích cụ thể rủi ro và tiềm năng cơ hội trên thị trường chứng khoán để ra quyết định đầu tư hiệu quả. UBCKNN sẽ theo dõi sát tình hình, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để có thể bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư có liên quan.”
Một số công ty nghìn tỷ trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát
CTCP Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát (VTP Investment Group)
Vốn đăng ký : 12.800 tỷ đồng
Đây là một trong những công ty trung tâm của hệ thống Vạn Thịnh Phát. VTP Investment Group có các cổ đông chính là bà Trương Mỹ Lan, sở hữu 15% và CTCP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP Group Holdings), sở hữu 41%. Bà Trương Mỹ Lan nắm giữ 80% cổ phần của VTP Group Holdings.
CTCP Tập Đoàn Sài Gòn Peninsula (SP Group)
Vốn đăng ký : 18.000 tỷ đồng
Theo các dữ liệu ban đầu, đây đang là công ty có vốn điều lệ lớn nhất trong số các công ty có liên quan đến tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Sài Gòn Peninsula là chủ đầu tư của dự án Saigon Peninsula, còn được biết đến với tên gọi Dự án công viên Mũi Đèn Đỏ (hiện Viva Land đang quản lý dự án Saigon Peninsula). Đây được xem là siêu dự án ở khu vực quận 7, tổng vốn đầu tư dự tính 6 tỷ USD.Dự án này có quy mô 118ha, nằm tại ngã ba sông Sài Gòn và sông Nhà Bè. Tuy nhiên dự án đã bất động hơn một thập kỷ rưỡi qua.
Năm 2007, TPHCM chấp thuận cho CTCP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula (SP Group) làm chủ đầu tư dự án. Năm 2011, TPHCM có văn bản giao đất thực hiện san lấp mặt bằng dự án. Năm 2016, nhà đầu tư hoàn tất bồi thường giải tỏa 93% diện tích đất dự án. Giữa năm 2016 khởi công khu công viên Mũi Đèn Đỏ trong dự án và nhà ở đô thị với tên thương mại là Saigon Peninsula. Tuy nhiên đến nay, dự án vẫn chưa triển khai xây dựng do vướng các thủ tục đầu tư.
SP Group thành lập vào năm 2003 với vốn điều lệ 18,000 tỷ đồng. Tháng 8/2016, đối tác của Tập đoàn Sài Gòn Peninsula là Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã công bố việc ký kết với các nhà đầu tư nước ngoài gồm Pavilion Group và Genting Group để phát triển dự án.
Thành phần ban lãnh đạo SP Group từng có ông Lâm Khắc Vinh (hay Truong Vincent Kinh, quốc tịch Mỹ) đảm nhận vai trò Chủ tịch HĐQT và đại diện pháp luật. Ông này là lãnh đạo chủ chốt của nhiều công ty BĐS như CTCP Đầu tư và Phát triển Sunny World, CTCP Phát triển Sunny World Homes, CTCP Đầu tư và Phát triển BĐS Sunny World, CTCP Sunny World Holdings, CTCP Vietnam Land Group, CTCP Đầu tư Trade Wind, CTCP VN Unique, CTCP Tập đoàn Diamond Capital, CTCP Phát triển và Quản lý Diamont Capital… các pháp nhân này ít nhiều có mối liên hệ với Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
CTCP Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (Sai Gon Investment Group)
Vốn đăng ký : 12.720 tỷ đồng
Sai Gon Investment Group được thành lập ngày 24/2/2016 với tên gọi ban đầu là CTCP Đầu tư Hemera Power, đến tháng 4/2016 thì được đổi thành tên gọi như hiện nay.
Sai Gon Investment Group có tên gọi gần giống với CTCP Đầu tư Sài Gòn (Saigon Invest Group/SGI Group), công ty đầu tư của ông Đặng Thành Tâm. Công ty này có vốn điều lệ lên đến 12.720 tỷ đồng. Trong đó, cổ đông lớn nhất là CTCP Tập đoàn Phát triển Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (VIPD Group) – góp 3.871 tỷ đồng, tương đương 30,4% vốn. Ngày Hemera Power được thành lập cũng là ngày một công ty khác có liên quan đến Vạn Thịnh Phát là CTCP Đầu tư Hermes Power tiến hành giảm vốn điều lệ từ 13.800 tỷ xuống còn 1.080 tỷ đồng. Chủ tịch HĐQT của Sai Gon Investment Group là bà Đặng Trịnh Thanh Phương, người đồng thời giữ vai trò người đại diện theo pháp luật của Vinametric – công ty sở hữu khách sạn Duxton Saigon và CTCP Sài Gòn Kim Cương – chủ đầu tư của dự án SJC Tower.
CTCP Tập đoàn Phát triển Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (VIPD Group)
Vốn đăng ký : 12.000 tỷ đồng
VIPD Group chính là công ty đã đứng ra mua lại trung tâm thương mại Vincom Centre A từ tập đoàn Vingroup với giá gần 10.000 tỷ đồng vào năm 2013. Trung tâm thương mại này sau đó được đổi tên thành Union Squre. Trên website của mình, VIPD Group cho biết tập đoàn này sẽ triển khai một số dự án khác trong tương lai như SJC Tower, Khu công nghiệp Minh Ngân, VIPD Tower, Catinat Square.
CTCP Phát triển Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (VIPD)
Vốn đăng ký : 11.000 tỷ đồng
VIPD có tên gọi khá giống với VIPD, chữ khác mỗi chữ “Tập đoàn” và vốn điều lệ nhỏ hơn 1.000 tỷ đồng. Công ty này có tên gọi ban đầu là CTCP Đầu tư và Xây dựng An Thái.
Tập đoàn đầu tư An Đông (Tên cũ : CTCP Đầu tư An Đông)
Vốn đăng ký : 9.000 tỷ đồng
An Đông là chủ đầu tư của tổ hợp Trung tâm thương mại An Đông và khách sạn Windsor Plaza tại Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh.
CTCP Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (SDI Corp)
Doanh nghiệp này là chủ đầu tư siêu dự án Sài Gòn Bình An có quy mô lên đến 117 ha tại phường An Phú, Thành phố Thủ Đức, TP.HCM. SDI Corp trước đây được biết đến là thành viên của Him Lam Group, tuy nhiên Vạn Thịnh Phát đã thế chân Him Lam trở thành chủ mới của SDI Corp, chủ đầu tư dự án Sài Gòn Bình An. Người đứng đại diện cho Vạn Thịnh Phát chính là ông Bùi Đức Khoa (sinh năm 1974) được cử vào ghế chủ tịch kiêm đại diện pháp luật của SDI Corp thay thế ông Dương Minh Hùng vốn là người cũ của Him Lam.