Hiệu ứng từ những thông tin tiêu cực vẫn đang lan tỏa trên thị trường chứng khoán, thị trường phiên 11/10 tiếp tục ghi nhận áp lực bán mạnh tại các nhóm cổ phiếu. Thậm chí trong phiên đã có thời điểm chỉ số sàn HOSE nhúng về vùng điểm ba chữ số. Kết phiên, VN-Index giảm gần 3,5%, tương ứng mất hơn 36 điểm và lùi xuống 1.006,2 điểm – mức đóng cửa thấp nhất trong vòng hơn 22 tháng.
Theo xu hướng điều chỉnh chung của thị trường, nhóm cổ phiếu bất động sản, ngân hàng và chứng khoán cũng lao dốc mạnh, hầu hết các cổ phiếu nhóm này đều rơi xuống mức giá thấp nhất hơn 1 năm.
Cổ đông bất động sản – xây dựng tiếp tục có thêm một phiên giao dịch ảm đạm. Không những giảm, phần lớn số cổ phiếu nhóm này đều giảm hết biên độ trong phiên hôm nay NHƯ HUT, L14, IDJ, CEO, DIG, LDG, VCG, HHV, NBB, CTD, CII, HQC, TDC…, dư bán tại mức giá sàn hàng trăm tới vài triệu đơn vị.
Trong đó, đáng chú ý tại NLG, từ mức đỉnh 64.400 đồng vào ngày 21/12/2021, mã này đã “miệt mài” giảm, hiện đã về mức 23.550 đồng/cp – vùng thị giá thấp nhất 2 năm từ thời điểm tháng 11/2020 và tương đương giảm 63% từ đỉnh.
HBC cũng không tránh khỏi tình cảnh tương tự khi cổ đông nếu chẳng may “đu đỉnh” hồi tháng 1/2022 tại mức 31.800 đồng thì hiện tại giá trị cổ phiếu trong danh mục đã “bốc hơi” tới hơn 60% xuống vùng giá hồi tháng 9/2021. Tương tự, hiện tượng CEO sau giai đoạn tăng bằng lần hồi cuối tháng 2021, tới nay mọi thành quả đã bị xóa hoàn toàn khi thị giá rơi về mức 15.000 đồng/cp, thấp nhất kể từ tháng 11/2021 và giảm 84% so với đỉnh 92.500 đồng/cp từng ghi nhận hồi đầu năm nay.
Cổ phiếu NLG, HBC, CEO đồng loạt về mức giá thấp nhất hơn 1 năm
Không chỉ những mã “tăng sốc” rồi bị “giảm sâu”, nhiều mã vốn hóa lớn cũng phải chịu chung áp lực bán ra mạnh khiến giá cổ phiếu giảm. VHM giảm 3,9% về 51.800 đồng/cp – trở lại vùng giá của tháng 5/2020, BCM giảm 5,9% xuống 82.300 đồng/cổ phiếu, VIC giảm 0,3% về mức 60.000 đồng/cổ phiếu – vùng giá hồi đầu năm 2018
Cùng chung tình cảnh là nhóm cổ đông nắm giữ cổ phiếu chứng khoán. Diễn biến không mấy khả quan của kênh đầu tư chứng khoán thời gian qua khiến giá cổ phiếu chứng khoán chưa thể tìm ra xung lực bứt phá trở lại. Sau chuỗi điều chỉnh sâu từ đầu năm tới nay, hiện thị giá các mã này đều đã bay sạch thành quả suốt từ đầu năm 2021.
Tiêu biểu như cổ phiếu đầu ngành SSI. Với mức giá kết phiên 11/10 đạt 16.200 đồng/cp, giá trị mã này đã mất gần 68% kể từ đỉnh cuối tháng 11/2021. Thời điểm gần nhất thị giá SSI rơi về vùng giá này là giữa tháng 12/2020, tương ứng cách gần 22 tháng.
Hay tại mã SHS, cổ phiếu này cũng đã rơi về vùng giá thấp nhất kể từ tháng 1/2021, hiện kết phiên 11/10 đạt 7.800 đồng/cp. Như vậy so với mức đỉnh 29.160 đồng/cp cuối tháng 11/2021, thị giá chỉ còn hơn 1/4 giá trị.
Thị giá SSI mất hàng chục % giá trị kể từ đỉnh
Tương tự, nhóm cổ phiếu ngân hàng hôm nay cũng xuất hiện sắc “xanh sàn” tại 7 mã, duy chỉ có SGB tăng nhẹ và VPB cùng VAB đứng tham chiếu. Trong đó, chuỗi giảm liên tục thời gian qua đã kéo thị giá TCB rơi xuống vùng giá thấp nhất kể từ tháng 11/2020, kết phiên 11/10 đạt 24.000 đồng/cp. Cổ đông nếu chẳng may mua vào mã ngân hàng này tại đỉnh giá hồi tháng 7/2021 thì hiện đã lỗ gần 60% danh mục đầu tư.
Trong khi đó, là cổ phiếu nhà băng hiếm hoi không giảm điểm trong phiên 11/10, tuy nhiên đà giảm mạnh trước đó cũng khiến thị giá VPB xuống giao dịch tại vùng giá cách đây 19 tháng, mất phân nửa giá trị so với đỉnh.
TCB và VPB trượt dài về vùng giá gần 2 năm
Có thể thấy tâm lý nhà đầu tư có phần ảnh hưởng bởi những tin đồn xuất hiện trên thị trường, áp lực bán vẫn đang tỏa ra trên diện rộng do. Lực đỡ đến từ sắc xanh le lói tại một vài cổ phiếu là không đủ với sự điều chỉnh đồng loạt của nhiều nhóm ngành khác.
Theo ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, tâm lý nhà đầu tư hiện vẫn đang lo sợ còn những đợt sụt giảm mạnh hơn. Dù vậy, ông Minh cho rằng mốc điểm 1.000 vẫn là ngưỡng tâm lý rất vững chắc của thị trường và xác suất cao vẫn giữ được mốc điểm này. Những áp lực call margin thường chỉ xảy ra một thời gian ngắn. Khi lượng cung cổ phiếu giảm bớt, thị trường sẽ cân bằng trở lại.
Thực tế xét về trung và dài hạn, triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn rất sáng lạn với mức định giá rất rẻ trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng vững chắc. SGI Capital trong báo cáo mới đây cho biết, những đợt tụt giảm của VN-Index dưới mức 1.100 điểm, dù vì lý do gì, đều sẽ mang lại cơ hội rất hấp dẫn cho một chu kỳ đầu tư mới. Lãi suất tiền gửi ngân hàng đã tăng lên mặt bằng 7-8%/năm, nhưng đà giảm của thị trường hiện nay đang mang lại nhiều hơn các cơ hội với mức sinh lời trên 20%/năm cho kỳ đầu tư 1-3 năm tới.
Theo SGI Capital, nhà đầu tư nên thận trọng trước các diễn biến xấu bất ngờ, nhưng sẵn sàng để có thể tham lam khi thị trường sợ hãi. Nhiều cổ phiếu đã giảm mạnh từ đỉnh về gần vùng định giá rẻ lịch sử và rủi ro của thị trường đang giảm đi đáng kể khi nhiều tin xấu dần bộc lộ và phần nào được phản ánh vào giá. “Tháng 10 và quý 4 hứa hẹn sẽ còn nhiều tin xấu khiến thị trường biến động mạnh, thử thách tâm lý và niềm tin của nhà đầu tư nhưng đó cũng là lúc thị trường chào mời những cơ hội với giá tốt nhất” – quỹ đầu tư nhấn mạnh.