Trong danh sách 1.000 doanh nghiệp, Viettel là đơn vị nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất năm 2021.
Những con số ấn tượng Viettel đạt được
Theo công bố của Tổng Cục Thuế, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel nộp khoản thuế gần 32.000 tỷ đồng và đứng đầu danh sách 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất năm 2021.
Đáng nói, đây là năm thứ 6 liên tiếp Viettel nắm giữ vị trí cao nhất ở danh sách này. Hơn nữa, đây là tập đoàn, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp công nghệ viễn thông duy nhất góp mặt trong top 10.
Viettel đã đóng góp khoảng 268.000 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2015-2021. Con số này gấp hơn 5 lần dự toán chi ngân sách nhà nước cho hoạt động khoa học và công nghệ năm 2021.
Viettel những năm qua đã thực hiện các bước chuyển dịch chiến lược, tập trung và đẩy nhanh các hoạt động chuyển đổi số, chuyển dịch thành công từ một doanh nghiệp viễn thông thuần túy (telco) thành một nhà cung cấp dịch vụ số (techco).
Doanh nghiệp này đã hình thành 6 lĩnh vực nền tảng của xã hội số, phải kể đến như: Hạ tầng số, tài chính số, giải pháp số, nội dung số, an ninh mạng, sản xuất công nghệ cao.
Tính hết năm 2021, Viettel có hơn 40 nghìn lao động. Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này tốt trong ngành, doanh thu đạt được là hơn 270.000 tỷ đồng, lợi nhuận là hơn 40.000 tỷ đồng và gần 32.000 tỷ đồng nộp ngân sách.
Theo công bố từ Tạp chí Nhân sự Châu Á – HR Asia hồi tháng 8, đơn vị này được bình chọn là “Nơi làm việc tốt nhất châu Á”.
Hế năm 2021, giá trị thương hiệu Viettel đã tăng tới 32 bậc ở mức giá trị 6,06 tỷ USD, đứng thứ 325 toàn cầu. Nhưng đến tháng 9 năm nay, theo công bố của Brand Finance, giá trị thương hiệu của Viettel chiếm gần 36% tổng giá trị 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam (24,42 tỷ USD), ở mức 8,8 tỷ USD.
Viettel đề xuất được sản xuất chip
Tại buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính vào sáng 16/8, lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội đã đề cập đến mong muốn được sản xuất chip để phục vụ nhu cầu nội địa, hướng tới xuất khẩu.
Viettel đưa ra đề xuất trong bối cảnh thời gian qua, trên toàn cầu xảy ra tình trạng thiếu chip, gây ảnh hưởng trầm trọng tới nhiều lĩnh vực sản xuất và kinh doanh. Vì vấn đề an ninh quốc gia mà nhiều nước đã thúc đẩy việc sản xuất chip.
Ngoài ra, lãnh đạo Viettel còn kiến nghị Thủ tướng giao cho tập đoàn một số nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng an ninh, để phát huy thế mạnh cũng như thể hiện vai trò tiên phong của doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng công nghệ cao, an toàn, an ninh mạng, xây dựng.
Tập đoàn này cho hay muốn triển khai nền tảng chuyển đổi số quốc gia, trung gian thanh toán chuyển mạch và bù trừ điện tử.
Việc nghiên cứu công nghệ năng lượng xanh, hiện đại hóa các cở sở hạ tầng quan trọng như giao thông vận tải, đô thị, logistics, khoa học công nghệ… cũng được tập đoàn Viettel đề xuất lên Thủ tướng trong buổi làm việc.
Về cơ chế, tập đoàn này xin được tăng tính chủ động trong công tác đầu tư, tiền lương cũng như tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị nội bộ.
Viettel mong muốn Chính phủ bổ sung hành lang pháp lý mới cho các doanh nghiệp nhà nước. Tập đoàn này đề xuất Thủ tướng nghiên cứu cơ chế để đánh giá dựa vào nguyên tắc hiệu quả đầu tư trên tổng thể thay bằng việc dựa trên các khoản mục, dự án đầu tư riêng lẻ.
Chưa hết, tập đoàn này cũng mong muốn có cơ chế thành lập Quỹ Đầu tư mạo hiểm cho hoạt động đầu tư vào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Sau khi lắng nghe đề xuất của tập đoàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Viettel nghiên cứu, sản xuất chip để phục vụ đắc lực, hiệu quả chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.