Theo đề xuất của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thì từ năm 2024 sẽ thu phí vào nội đô.
3 giai đoạn thực hiện thu phí vào nội đô
Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào” vừa được Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (Tramoc) Hà Nội báo cáo lên Sở Giao thông Vận tải. Đơn vị này đề nghị gọi tắt đề án là Phí giảm ùn tắc giao thông.
Theo đề xuất của cơ quan này, Đề án sẽ được chia làm 3 giai đoạn để triển khai. Cụ thể:
- Giai đoạn thí điểm: Đặt 15 trạm thu phí tại 9 vị trí trên các trục đường nội đô có lưu lượng giao thông lớn và nguy cơ ùn tắc cao. Giai đoạn này thực hiện và báo cáo tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm vào 30/11/2025 để làm cơ sở triển khai giai đoạn 2, 3.
- Giai đoạn 2 (Từ 2026 – 2030): Vùng thu phí sẽ được mở rộng về bờ Nam sông Hồng. Theo đó, khu vực thu phí mở rộng có ranh giới giới hạn bởi các đường Vành đai 3 – Cầu Thanh Trì – Pháp Vân – Mai Dịch – Phạm Văn Đồng – Cầu Thăng Long – Âu Cơ – Nghi Tàm – Yên Phụ – Trần Nhật Duật – Vành đai 3.
- Giai đoạn 3 (sau năm 2031): Mở rộng vùng thu phí về phía bờ Bắc sông Hồng. Khu vực thu phí mở rộng có ranh giới giới hạn bởi các đường Nguyễn Văn Linh – Trường Sa – Hoàng Sa – Võ Văn Kiệt – Cầu Thăng Long – Âu Cơ – Nghi Tàm – Yên Phụ – Trần Nhật Duật – Vành đai 3.
Theo Tramoc, việc thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực bản chất nhằm giảm ùn tắc giao thông. Đây là khoản thu người dùng ôtô sẽ phải trả khi đi vào khu vực có nguy cơ bị ùn tắc trong một khoảng thời gian quy định.
Báo cáo này viết, mọi chủ thể tham gia giao thông cùng toàn thể xã hội được hưởng lợi. Đó là tiết kiệm thời gian đi lại, vận chuyển hàng hóa khi giao thông ở khu vực thu phí được giảm ùn tắc.
55% người dân chấp nhận trả phí ở mức 22.300 đồng
Tramoc thông tin, theo kết quả điều tra xã hội học, người dân chấp nhận mức phí vào nội đô là 22.300 đồng. Ở mức phí này, khoảng 55% người dùng ô tô con chấp nhận trả phí để đi lại nhanh chóng, số còn lại chuyển sang các phương tiện khác được miễn hoặc giảm phí. Do đó, để điều tiết được hành vi giao thông, mức phí tối thiểu cần phải lớn hơn mức người dân sẵn sàng chi trả.
Kết quả khảo sát trực tuyến về thu phí vào nội đô trên một số phương tiện tính đến 10/10 thu về hơn 1.000 phiếu. Trong đó có gần 40% ủng hộ; hơn 33% ủng hộ có điều kiện, 27% không ủng hộ việc thu phí.
Tramoc cho hay từ ngày 24/10 đến 15/11, đơn vị sẽ tiếp tục lấy ý kiến các sở, ngành và hoàn thiện đề án sau đó để báo cáo UBND TP Hà Nội xem xét, quyết định vào ngày 15/12.
Thống kê cho thấy, hiện Hà Nội đang có hơn 7,6 triệu phương tiện (gồm: 1 triệu ôtô, gần 6,5 triệu môtô các loại, khoảng 180.000 xe máy điện) và chưa bao gồm phương tiện của lực lượng vũ trang, biển quốc tế, xe biển ngoại giao, xe các tỉnh khác lưu thông trên địa bàn thành phố.