Lo ngại thị trường tài chính gặp rủi ro bởi biến động giá dầu nên giới chức Mỹ buộc phải giảm quy mô áp trần dầu Nga.
Sẽ giảm quy mô áp trần dầu Nga?
Theo một nguồn tin của Bloomberg, thay vì áp mức trần nghiêm ngặt lên giá bán, theo dõi bởi một “hội đồng gồm nhiều quốc gia mua dầu” để siết nguồn thu của Điện Kremlin, Mỹ và EU có thể sẽ đưa ra mức trần cao hơn, sự theo dõi cũng sẽ lỏng lẻo hơn. Việc cam kết tuân thủ ở phạm vi các nước G7 và Australia.
Cũng theo nguồn tin này, Hàn Quốc cũng có ý định tham gia. Ngoài ra, phía quan chức G7 cũng có dự định đưa New Zealand, Na Uy vào hội đồng theo dõi giá trần. Tuy nhiên, các đối tác thương mại quan trọng nhất của Nga là Ấn Độ và Nga sẽ không tham gia.
Giá trần theo kế hoạch ban đầu của Mỹ sẽ nằm trong khoảng 40-60 USD/thùng. Để đạt được mục tiêu giảm nguồn thu của Nga, điều mà giới chức Mỹ muốn đó là mức trần gần 40 USD nhất có thể.
Tuy nhiên, ở hiện tại, 60 USD, thậm chí cao hơn là mức họ đang thảo luận. Dù nhiều quan chức châu Âu biết rằng, Điện Kremlin sẽ tiếp tục có nguồn thu đáng kể từ năng lượng nhờ vào điều này.
Lo ngại của giới chức Mỹ là việc chính sách trần giá sẽ gây ra tác dụng ngược, thị trường dầu vì thế sẽ càng trở nên hỗn loạn.
Hồi đầu tuần qua, khi phát biểu về kinh tế toàn cầu, bà Janet Yellen – Bộ trưởng Tài chính Mỹ cảnh báo “môi trường biến động và nguy hiểm” đang nảy sinh khắp nơi. Trong đó, giá năng lượng tăng và thị trường tài chính có các biến động. Còn trong bối cảnh này, theo quan điểm của bà Janet Yellen, tại Mỹ “các rủi ro về bất ổn tài chính có thể thành hiện thực”.
Lý do Mỹ thay đổi quan điểm
Quan điểm về trần giá của Mỹ thay đổi sau nhiều tháng Washington gây sức ép lên châu Âu về việc chỉnh sửa lệnh trừng phạt lên dầu Nga. EU có thể sẽ càng tức giận với diễn biến lần này. Theo quan điểm của một số quan chức, Mỹ dường như ưu tiên tăng cung dầu toàn cầu hơn, họ cũng không phải lúc nào cũng sẵn sàng trừng phạt Nga giống như châu Âu.
Bộ Tài chính Mỹ nói rằng, việc đặt giá trần cao hơn sẽ khiến cho sáng kiến này thành công hơn. Vừa có thể giữ dầu Nga ở lại thị trường, đồng thời kiềm chế nguồn thu của Nga. Nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần nhắc lại rằng, sẽ không bán dầu với các nước tham gia áp trần giá. Được biết, trong tháng 9, Nga đã thu về khoảng 15 tỷ USD từ việc bán dầu.
Khi thị trường toàn cầu bị thống trị bởi các nước như Arab Saudi, việc người mua thiết lập cơ chế áp giá trần và chỉ nhằm vào một người bán thì sẽ rất phức tạp.
Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, hồi đầu tháng 3, giá dầu Brent từng lên sát 140 USD. Tuy nhiên hiện tại, nó đang giao dịch quanh 96 USD một thùng.
Theo dữ liệu từ Argus Media, tính trong 3 năm qua, giá trung bình dầu Urals của Nga là 63 USD và tính trung bình trong 5 năm qua thì giá là 64 USD. Còn tính đến cuối tuần trước, giá dầu Urals trung bình tháng này là 74 USD.