Cùng với sự sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian gần đây, không chỉ các nhà đầu tư nhỏ lẻ mà hàng loạt lãnh đạo doanh nghiệp cũng lao đao khi bị call margin. Vậy call margin là gì? Khi nào nhà đầu tư bị call margin, nhà đầu tư thiệt hại như thế nào khi bị call margin? Hãy cùng ViMoney tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Call Margin là gì?
Margin là gì?
Margin hay giao dịch kí quỹ được nhà đầu tư sử dụng khi vay tiền của công ty chứng khoán để đầu tư. Đây là một dạng đòn bẩy tài chính khi nhà đầu tư có thể thế chấp những cổ phiếu trong danh mục của mình để vay thêm tiền từ công ty chứng khoán với kỳ vọng tối ưu được nguồn vốn sẵn có để gia tăng lợi nhuận.
Tỷ lệ đòn bẩy là bao nhiêu?
Số tiền nhà đầu tư được vay sẽ tùy thuộc vào cổ phiếu và số lượng cổ phiếu nhà đầu tư nắm giữ, vào từng thời điểm, vào từng công ty chứng khoán, do vậy, tỷ lệ đòn bẩy sẽ khác nhau. Ví dụ: Với công ty chứng khoán VNDIRECT, tỷ lệ cho vay sẽ giao động từ 10 – 50%, phụ thuộc vào từng mã cổ phiếu nằm trong danh mục của VNDIRECT.
Full Margin
Full Margin là trạng thái nhà đầu tư sẽ sử dụng tối đa tỷ lệ ký quỹ để mua mã cổ phiếu mình mong muốn. Tỷ lệ cho vay margin tối đa theo quy định của ủy ban chứng khoán Việt Nam là 1:2. Tuy nhiên, khi vay ở mức Full Margin, nhà đầu tư cần phải theo dõi những biến động xảy ra ở trên thị trường. Vì khi thị trường giảm mạnh mà bạn không kịp cắt lỗ thì rủi ro cháy tài khoản sẽ rất cao, dẫn đến việc Call Margin tài khoản của nhà đầu tư.
Call Margin
Call Margin hay còn gọi là lệnh gọi kí quỹ. Đây là trường hợp công ty chứng khoán đề nghị khách hàng nộp tiền hoặc tăng số lượng chứng khoán thế chấp để giữ tỷ lệ vay margin ở mức an toàn. Call Margin sẽ xảy ra khi tỷ lệ “Giá trị tài sản ròng/Giá trị chứng khoán” nhỏ hơn tỷ lệ ký quỹ duy trì do công ty chứng khoán quy định.
Hạn mức Margin (Margin level)
Mỗi nhà đầu tư khi mở tài khoản ký quỹ sẽ được cấp một hạn mức nhất định. Hạn mức này là giá trị tối đa mà khách hàng có thể thực hiện vay từ công ty chứng khoán.
Khi nào nhà đầu tư bị call margin
Như định nghĩa phần trên, Call Margin hay lệnh gọi kí quỹ là trường hợp công ty chứng khoán đề nghị khách hàng nộp tiền hoặc tăng số lượng chứng khoán thế chấp để giữ tỷ lệ vay margin ở mức an toàn. Call Margin sẽ xảy ra khi tỷ lệ “Giá trị tài sản ròng/Giá trị chứng khoán” nhỏ hơn tỷ lệ ký quỹ duy trì do công ty chứng khoán quy định.
Ví dụ, một công ty chứng khoán đưa ra tỷ lệ ký quỹ duy trì là 40%. Nhà đầu tư có 200 triệu đồng và “margin” – vay thêm công ty chứng khoán 100 triệu để mua cổ phiếu A. Khối cổ phiếu A được dùng làm tài sản đảm bảo cho khoản vay.
Giả sử giá cổ phiếu A giảm 45%, nếu không dùng margin, với 200 triệu đầu tư ban đầu, nhà đầu tư lỗ 90 triệu đồng. Nhưng vì dùng margin với sức mua tổng cộng 300 triệu đồng, giá trị chứng khoán lúc này chỉ còn 165 triệu đồng, tức “bốc hơi” 135 triệu đồng. Trừ đi phần 100 triệu vay từ công ty chứng khoán, tài sản ròng của nhà đầu tư còn 65 triệu đồng.
Tỷ lệ tài sản ròng/giá trị chứng khoán khi đó là 65/165 = 39,3%, thấp hơn tỷ lệ ký quỹ 40% cần phải duy trì nên công ty chứng khoán sẽ “call margin”. Nhà đầu tư có hai lựa chọn: Hoặc bán một phần cổ phiếu hoặc nộp thêm tiền để tỷ lệ tài sản ròng/giá trị chứng khoán lớn hơn tỷ lệ cho phép.
Nếu nhà đầu tư không thực hiện yêu cầu này đúng thời hạn, công ty chứng khoán được quyền chủ động bán chứng khoán của nhà đầu tư mà không cần phải hỏi ý kiến. Nói cách khác, đây là một hình thức tịch thu tài sản đã thế chấp.
Mỗi công ty chứng khoán có quy định khác nhau về hình thức gọi ký quỹ. Thông thường, nhà đầu tư sẽ nhận được cuộc gọi hoặc tin nhắn điện thoại thông báo quyết định. Một số khác sử dụng email để gửi nhiều lần tuỳ theo mức độ tỷ lệ ký quỹ của khách hàng.
Như Công ty Chứng khoán Phú Hưng sẽ gửi thư cảnh báo cho khách hàng khi tỷ lệ ký quỹ tài khoản chỉ cao hơn 5% so với tỷ lệ ký quỹ duy trì. Khi tài khoản xuống dưới mức duy trì, công ty gửi tiếp thư “lệnh gọi ký quỹ” để yêu cầu bổ sung tài sản.
Thời hạn bổ sung tiền mặt hoặc xử lý tài sản để đưa tỷ lệ ký quỹ về ngưỡng ban đầu của mỗi công ty cũng khác nhau, nhưng thường không quá 2 ngày làm việc. Thậm chí, căn cứ vào mức độ nghiêm trọng về tỷ lệ ký quỹ mà thời gian xử lý lệnh gọi giữa các tài khoản ở cùng một công ty cũng khác nhau.
Ví dụ cụ thể, với công ty chứng khoán MBS, theo Chính sách Dịch vụ Margin cập nhật từ 05/8/2022:
- Tỷ lệ ký quỹ ban đầu được quy định từ 50%
- Tỷ lệ ký quỹ duy trì (MR) là 35%
- Tỷ lệ xử lý tại MBS (Force sell – FS) là 30%.
Đối với các trường hợp Force sell:
- Force sell do nợ quá hạn: Bán vào ngày làm việc liền sau ngày đến hạn khoản vay (Trường hợp ngày đến hạn khoản vay rơi vào ngày nghỉ thì ngày đến hạn được tính là ngày làm việc đầu tiên liền sau ngày đến hạn).
- Force sell do tỷ lệ ký quỹ của TKGDKQ xuống tỷ lệ ký quỹ duy trì: Khách sẽ nhận được 05 thông báo bổ sung ký quỹ từ MBS gửi trong 05 ngày giao dịch liên tiếp. Nếu khách hàng không bổ sung tài sản đảm bảo, MBS sẽ bán tại ngày mà khách hàng nhận được thông báo thứ 05.
- Force sell do tỷ lệ ký quỹ của TKGDKQ xuống tới tỷ lệ xử lý tại MBS: Bán tại ngày Khách hàng nhận được thông báo tài khoản vi phạm tỷ lệ xử lý tại MBS.
Ngoài ra, bạn có thể thêm khảo thêm Quy định của VnDirect:
Tỷ lệ ký quỹ thực tế tính theo % (Tỷ lệ Rtt) được tính theo công thức sau:
Tỷ lệ Rtt= [Giá trị TSĐB/( Tổng giá trị nợ thực tế – Tiền – Tiền bán chứng khoán chờ về)]*100
- Tỷ lệ ký quỹ ban đầu: 100%
- Tỷ lệ ký quỹ duy trì: 90%
- Tỷ lệ xử lý: 85%
Trong đó Giá trị tài sản đảm bảo (TSĐB): Tổng số lượng chứng khoán giao dịch ký quỹ * Tỷ lệ tính tài sản đảm bảo * Giá căn cứ.
- Giá căn cứ = Min ( Giá tham chiếu, giá chặn)
- Giá chặn là giá tối đa để tính giá trị tài sản đảm bảo của tài khoản
- Giá chặn do VNDIRECT xác định dựa trên đánh giá rủi ro của thị trường.
Khi đó, Giá trị TSĐB bổ sung (tiền ký quỹ bổ sung, chứng khoán ký quỹ bổ sung):
- Số tiền ký quỹ bổ sung = Tổng giá trị nợ thực tế – tiền – tiền bán chứng khoán chờ về – ( Giá trị TSDB* tỷ lệ ký quỹ ban đầu/ Tỷ lệ ký quỹ duy trì)
- Giá trị chứng khoán ký quỹ bổ sung = [(Tổng giá trị nợ thực tế – tiền – tiền bán chứng khoán chờ về)* Tỷ lệ ký quỹ duy trì/ Tỷ lệ ký quỹ ban đầu] – Giá trị TSDB
- Số lượng chứng khoán ký quỹ bổ sung = Giá trị chứng khoán ký quỹ bổ sung / (Giá căn cứ* Tỷ lệ ký quỹ)
Còn đây là ví dụ về trạng thái và các ngưỡng kiểm soát khi giao dịch ký quỹ của Công ty Chứng khoán TP HCM (HSC):