Đó là quan điểm của ông Phùng Xuân Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sài Gòn Phát Thịnh Ratings, Chuyên gia về xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên DĐDN.
Giải quyết niềm tin đầu tư
– Thưa ông, hai vấn đề tạo nút thắt của thị trường TPDN, như ông vừa đề cập, hiện nay là gì?
Thứ nhất, là niềm tin của các nhà đầu tư trên thị trường đã và đang trở thành vấn đề nút thắt và là trở ngại lớn nhất hiện nay. Chúng ta đều biết rằng, trong khoảng 2 – 3 năm vừa qua, thị trường TPDN Việt Nam đã có tốc độ phát triển rất nhanh, rất nóng, nhưng thiếu an toàn, kém lành mạnh. Sau một vài sự cố vi phạm pháp luật liên quan đến việc phát hành và sử dụng trái phiếu của một vài doanh nghiệp cụ thể, đã gây ra nhiều hệ luỵ, đảo lộn cả thị trường và tác động rất lớn đến niềm tin cho các nhà đầu tư.
Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định 65/2022 nhưng chúng ta vẫn chưa thấy thị trường TPDN có dấu hiệu phục hồi như trước đây, mà ngược lại hết sức trầm lắng, đã và đang gây ra ách tắc, khó khăn cho kế hoạch phát triển kinh doanh của cả hệ thống doanh nghiệp.
Thứ hai, chúng ta hiểu rằng tuyệt đại đa số các doanh nghiệp trên thị trường, đều thực hiện các chính sách đòn bẩy tài chính nhằm huy động các nguồn vốn vay từ các ngân hàng hoặc là phát hành trái phiếu để đầu tư phát triển trong trung và dài hạn, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư phát triển các dự án bất động sản (BĐS).
Số liệu thống kê của Saigon Ratings cho thấy, trong tháng 10 vừa qua chỉ có một đợt phát hành TPDN thành công duy nhất của 1 công ty ngành khoáng sản. Phần lớn các doanh nghiệp ưu tiên mua lại trái phiếu trước hạn hoặc không tiếp tục phát hành, hoặc là phát hành trái phiếu không thành công. Trong khi nhu cầu phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp là rất lớn.
Đây không chỉ là vấn đề rất lo ngại của từng doanh nghiệp mà còn là sự phát triển lành mạnh và an toàn vĩ mô của cả nền kinh tế, trong điều kiện Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức và tác động bất lợi từ môi trường quốc tế hiện nay.
– Những khó khăn, thách thức nói trên chủ yếu liên quan đến các doanh ngiệp BĐS, hay nhiều doanh nghiệp khác, thưa ông?
Chúng tôi cho rằng đây không phải là vấn đề khó khăn riêng của các doanh nghiệp BĐS mà đang là nút thắt của cả hệ thống doanh nghiệp trên thị trường. Trong đó, khối doanh nghiệp BĐS chịu sự ảnh hưởng trực tiếp nặng nề nhất. Chúng ta cũng thấy điều này đã tác động đến nhu cầu đầu tư trái phiếu của hệ thống ngân hàng.
Ngành BĐS có vị trí, vai trò và tác động thúc đẩy phát triển rất nhiều ngành nghề kinh tế quan trọng của đất nước. Đó cũng là lý do vì sao Hàn Quốc phải mở quỹ bình ổn TPDN. Tuần vừa qua, Trung Quốc đã quyết định quỹ giải cứu TPDN, tập trung cho BĐS lên tới hàng chục tỷ USD. Nhưng điều chúng ta lo lắng nhất hiện nay là niềm tin các nhà đầu tư trên thị trường đã, đang đi xuống thấp nhất và rất khó để có thể phục hồi niềm tin trong ngắn hạn. Trong khi đó, nhu cầu huy động vốn của cả hệ thống doanh nghiệp rất lớn, khẩn cấp để giải quyết nhu cầu thanh toán đảo nợ đến hạn, trong các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023.
Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành chức năng cần phải đánh giá trái phiếu đáo hạn trong quý 4/2022 và năm 2023, và sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP, nếu cần thiết, nhằm giải quyết các vấn đề khó khăn của thị trường TPDN.
Xử lý tình thế
– Vậy theo ông Chính phủ nên có giải pháp thế nào để tháo gỡ những “nút thắt” nói trên?
Chúng ta không có đủ nguồn lực vận dụng các chính sách mà Hàn Quốc và Trung Quốc thực hiện. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam phải chống chịu các tác động bất lợi từ kinh tế thế giới và Chính phủ kiên trì thực hiện các chính sách ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và tỷ giá, khả năng trông chờ Ngân hàng Nhà nước cân nhắc nới “room” tín dụng là rất khó thực hiện, ít nhất là trong ngắn hạn.
Vì vậy, giải pháp tình thế khả thi nhất hiện nay Chính phủ cần xem xét, điều chỉnh một số nội dung quan trọng, trong Nghị định số 65/2022 nhằm hy vọng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sớm khơi thông nguồn vốn TPDN. Cụ thể chúng tôi đề xuất Chính phủ sớm sửa đổi Nghị định 65/2022 theo hướng cho phép doanh nghiệp khi thực hiện công bố kết quả xếp hạng tín nhiệm công khai, đầy đủ và minh bạch thông tin, thì có thể cho phép được chào bán trái phiếu cho các nhà đầu tư không chuyên nghiệp trên thị trường. Điều này, áp dụng tương tự như quy định pháp luật đối với các trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng.
– Theo ông, vấn đề này có khả thi không? Và có thật sự đảm bảo bảo vệ cho các nhà đầu tư không chuyên nghiệp trên thị trường không?
Thứ nhất, trong điều kiện niềm tin của nhà đầu tư đã và đang xuống thấp như hiện nay thì vai trò của các cơ quan quản lý hướng dẫn, giải thích và định hướng thị trường khách quan là rất cần thiết và quan trọng.
Thứ hai, khi các doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm thì các nhà đầu tư có đủ thông tin tham khảo khách quan để xem xét quyết định đầu tư mua từng loại trái phiếu phát hành trên thị trường phù hợp với khẩu vị rủi ro của mình.
Thứ ba, chính sách sửa đổi này hỗ trợ phân biệt tính rủi ro vỡ nợ hay nói cách khác là phân định rõ chất lượng tín nhiệm cho cả hệ thống doanh nghiệp trên thị trường như các quốc gia có văn hoá xếp hạng tín nhiệm.
Thứ tư , các nhà đầu tư không chuyên nghiệp trên thị trường cũng cần phải trang bị những kiến thức, hiểu biết thông tin nhất định và tự chịu trách nhiệm quyết định đầu tư trái phiếu của mình.
Thứ năm , đây là giải pháp tình thế có tính khả thi để giúp cho cả hệ thống doanh nghiệp vượt qua khó khăn ở thời điểm hiện nay, đồng thời ổn định nền tài chính quốc gia trong ngắn hạn và trung hạn (1 – 2 năm tới).
– Xin cảm ơn ông!