Trong báo cáo chiến lược mới công bố, Chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá nền kinh tế cho thấy sự giảm sút rõ rệt trong tháng 11, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất.
Các yếu tố như vốn FDI đăng ký, xuất nhập khẩu, IIP, PMI đều cho thấy sự chậm lại và suy giảm của các ngành sản xuất, nguyên nhân chung là do tỷ giá USD tăng cao gây khó khăn cho nhập khẩu nguyên vật liệu cũng như chi phí vận chuyển quốc tế và lãi suất tăng làm giảm nhu cầu tiêu dùng ở cả thị trường trong nước lẫn quốc tế.
Tỷ giá tăng nhẹ trong tháng 11 trong khi đồng USD giảm mạnh trên thị trường quốc tế theo chuyên gia đánh giá là do có độ trễ. Áp lực lên tỷ giá đã giảm đi nhiều trong tháng 11 nhờ nguồn vốn FDI giải ngân vẫn duy trì tăng trưởng, cán cân thương mại duy trì xuất siêu và đồng USD cũng giảm giá trên thị trường quốc tế.
Đội ngũ phân tích nhận thấy áp lực tỷ giá sẽ tiếp tục giảm khi mới đây, Chủ tịch Fed, Jerome Powell cho biết sẽ bắt đầu nâng lãi suất chậm lại từ tháng 12 để quan sát thêm nền kinh tế. Ngoài ra, thời gian cuối năm – trước Tết cũng là mùa cao điểm của kiều hối về Việt Nam cho nên chúng tôi cho rằng đây là các yếu tố giúp giảm áp lực tỷ giá trong thời gian tới.
Áp lực lạm phát sẽ hạ nhiệt nhưng cần lưu ý rủi ro vẫn cao do nguồn cung vẫn chưa hồi phục hoàn toàn. Các mặt hàng cơ bản đang tiếp tục giảm trên thị trường thế giới sau khi Fed liên tục nâng lãi suất. Bên cạnh đó, nhu cầu cũng đang chậm lại do tác động của lãi suất tăng. Tuy vậy, đội ngũ phân tích vẫn cho rằng khả năng cao kịch bản lạm phát cả năm vẫn trong mục tiêu dưới 4%.
Về lãi suất, NHNN cũng có văn bản chỉ đạo các NHTM giảm lãi suất và ưu tiên giải ngân cho vay vào các ngành sản xuất. Hiện chỉ còn 1 tháng là kết thúc năm 2022 nên trong bối cảnh nhiều bất ổn hiện tại, các ngân hàng còn room tín dụng vẫn chưa có nhiều động lực đẩy mạnh cho vay. Chuyên gia Yuanta cho rằng lãi suất khó có thể hạ nhiệt trong ngắn hạn và cần theo dõi thêm vào đầu năm sau.
Lợi suất Trái phiếu Chính phủ biến động trái nhiều nhưng nhìn chung là đi ngang ở các kỳ hạn. Nguyên nhân là do 1) đồng USD đang hạ nhiệt trên thị trường quốc tế; 2) xuất siêu vẫn tích cực giảm rủi ro tỷ giá; 3) Chính phủ đang thảo luận và đưa ra các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất. Theo đó rủi ro vĩ mô vẫn ở mức cao nhưng đã có dấu hiệu hạ nhiệt.
Về thị trường chứng khoán, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1,048 điểm (+1.99%), mức thấp nhất của chỉ số VN-Index trong tháng 11 cũng đã giảm dưới mức 900 điểm. Đồng thời, đồ thị giá của chỉ số VN-Index giảm về gần đường trung bình 100 tháng với khối lượng giao dịch tăng mạnh so với tháng 9 và 10/2022.
Đồ thị giá của các chỉ số chính có dấu hiệu hồi phục từ vùng quá bán cho thấy lực cầu đang cải thiện và chúng tôi kỳ vọng thị trường có thể sẽ tiếp tục nhịp hồi phục trong tháng 12/2022 với mức kháng cự mạnh là 1.225 điểm.
Tuy vậy, nhóm phân tích vẫn cho rằng thị trường vẫn đang trong “mùa mưa” dài hạn. Xu hướng dài hạn của chỉ số VN-Index vẫn duy trì ở mức giảm và rủi ro dài hạn vẫn ở mức cao. Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư dài hạn chưa nên mua vào giai đoạn này và chỉ nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu thấp ở mức 30-35% danh mục.