Sau những phản đối lúc đầu, cựu CEO FTX Sam Bankman-Fried được cho là đã chấp nhận để bị dẫn độ về lại Mỹ, nơi ông đang đối mặt với nhiều cáo buộc nghiêm trọng.
Theo nhiều nguồn tin từ của Reuters và CNBC, cựu CEO sàn FTX Sam Bankman-Fried đã chấp nhận từ bỏ việc phản đối yêu cầu dẫn độ về lại Mỹ của tòa án Bahamas, nơi đang giam giữ ông.
Exclusive: Sam Bankman-Fried to reverse decision on contesting extradition https://t.co/lm02hjR75N pic.twitter.com/LwcSH1zeQR
— Reuters (@Reuters) December 18, 2022
Như đã được ViMoney đưa tin, ông Sam Bankman-Fried đã bị chính quyền Bahamas bắt giữ vào sáng ngày 13/12 theo yêu cầu từ Bộ Tư pháp Hoa Kỳ với cáo buộc gian lận và lừa đảo liên quan đến sự sụp đổ của sàn giao dịch tiền mã hóa FTX.
Trong phiên tòa về vấn đề dẫn độ về Mỹ sau đó, vị cựu CEO đã lập luận trước tòa án Bahamas rằng đang bị bệnh và không có tiền án chạy trốn để xin được ở lại Bahamas và thậm chí còn sẵn sàng đóng 250.000 USD để được tại ngoại trong lúc chờ xét xử. Tuy nhiên, tòa án Bahamas đã bác bỏ yêu cầu này vì mức độ nghiêm trọng của vụ việc, tuyên bố tạm giam ông Sam Bankman-Fried đến tháng 02/2023 tại Fox Hill, một trong những nhà tù khét tiếng nhất thế giới với điều kiện giam giữ khắc nghiệt.
Song, đến sáng 18/12, truyền thông phương Tây đồng loạt tiết lộ vị cựu CEO FTX đã đổi ý và sẽ không chống đối yêu cầu dẫn độ về Mỹ trong phiên tòa tiếp theo tại Bahamas vào ngày 19/12.
Sự thay đổi quyết định này khả năng cao xuất phát từ việc ông Sam Bankman-Fried có lẽ không chịu nổi điều kiện sống tại Fox Hill. Theo báo The Washington Post, vị cựu CEO FTX kể từ lúc bị giam giữ đến nay đã được cho ở tại bệnh xá, nơi tách biệt với các phạm nhân khác, có điều hòa không khí và được đảm bảo khẩu phần ăn chay theo ý muốn của ông. Tuy nhiên, nhà tù không thể duy trì điều này được lâu dài.
Tour of Fox Hill prison where SBF is being held.???? pic.twitter.com/dMevbupgoY
— TrVon.eth ???? (@TrVon) December 17, 2022
Nếu trở về Mỹ, Sam Bankman-Fried sẽ phải đối mặt đến 3 cáo trạng buộc tội riêng biệt đến từ Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, Ủy ban Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) và Ủy ban Giao dịch Tài sản Kỳ hạn (CFTC), cụ thể là:
– Bộ Tư pháp:
- Âm mưu gian lận tiền gửi của khách hàng;
- Gian lận tiền gửi của khách hàng;
- Âm mưu gian lận tiền của chủ nợ;
- Gian lận tiền của chủ nợ;
- Âm mưu gian lận tài sản;
- Âm mưu gian lận chứng khoán;
- Âm mưu rửa tiền;
- Âm mưu lừa gạt nước Mỹ và vi phạm quy định quyên góp tài chính.
– SEC:
- Gian lận trong hoạt động chào bán chứng khoán;
- Gian lận có liên quan đến hoạt động mua hoặc chào bán chứng khoán.
– CFTC:
- Gian lận;
- Đưa ra các tuyên bố không trung thực có tính chất lừa đảo.
Nếu bị tuyên án tất cả tội danh trên, Sam Bankman-Fried sẽ đối mặt với bản án lên đến 115 năm.
Theo các chuyên gia pháp lý, nếu bị dẫn độ về Mỹ, Sam Bankman-Fried sẽ bị giam giữ tại một trong những nhà tù thuộc khu vực New York, bởi đây là nơi Tòa án Quận Nam New York thụ lý cả 3 cáo trạng ở trên. Trong vòng 48 giờ kể từ thời điểm đặt chân về Mỹ, vị cựu CEO FTX sẽ tham dự một phiên tòa để xem có quyết định nhận tội ngay hay không, từ đó quyết định đến những vấn đề khác như bảo lãnh tại ngoại. Song, vì tính chất vụ việc, rất có thể thẩm phán sẽ từ chối yêu cầu tại ngoại và tiếp tục giam giữ ông Sam Bankman-Fried. Phiên tòa xét xử Sam Bankman-Fried sẽ diễn ra sau đây khoảng 1 năm vì mức độ phức tạp cũng như cho bên công tố thêm thời gian thu thập bằng chứng.
Công tố viên Damian Williams của Văn phòng Công tố New York tuyên bố “đây là một trong những vụ lừa đảo tài chính nghiêm trọng nhất lịch sử nước Mỹ”, đồng thời nói rằng sẽ không dừng lại ở việc khởi tố mỗi riêng ông Sam Bankman-Fried.
ViMoney tổng hợp
TUYÊN BỐ TỪ CHỐI TRÁCH NHIỆM: Các quan điểm và ý kiến được thể hiện bởi tác giả, hoặc bất kỳ người nào được đề cập trong bài viết này, chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin và không cấu thành lời khuyên về đầu tư. Tiền điện tử có rủi ro cao, hãy cẩn trọng trong giao dịch.