Công ty cổ phần Tập đoàn Hoà Phát (mã chứng khoán: HPG) vừa công bố thông tin doanh thu quý 4/2022 đạt 26.000 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, doanh nghiệp ghi nhận lỗ ròng kỷ lục hơn 2.000 tỷ đồng, tiếp tục xuống đáy mới sau quý 3 vừa ghi nhận lỗ hơn 1.700 tỷ.
Lũy kế cả năm 2022, Hòa Phát đạt doanh thu 142.000 tỷ đồng, giảm 5% so 2021. Lợi nhuận sau thuế cả năm đạt hơn 8.400 tỷ đồng, chỉ bằng 24% so với năm 2021.
Con số lỗ kỷ lục khiến các dự báo của công ty chứng khoán về lợi nhuận của Hoà Phát trở nên “việt vị”.
Cụ thể, Chứng khoán SSI hồi tháng 11 đã đưa ra dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2022 của Hoà Phát đạt 10.200 tỷ đồng, tương ứng giảm 70% so với năm 2021. Như vậy, theo ước tính của bộ phận phân tích, Hoà Phát sẽ ghi nhận khoản lỗ ròng 270 tỷ đồng trong quý 4. Thậm chí, SSI Research trước đó từng cho rằng Hòa Phát vẫn có thể có lãi 1.757 tỷ đồng trong quý cuối năm 2022.
Đưa quan điểm tương tự, các chuyên gia phân tích tại Chứng khoán VNDirect đã giảm mạnh dự báo lợi nhuận của Hòa Phát năm 2022 từ mức 23.657 tỷ đồng xuống 11.213 tỷ, tương đương mức giảm gần 53%. Với dự báo này, VNDirect ước tính Hòa Phát không lỗ trong quý 4 nhưng mức lợi nhuận thu về chỉ đạt khoảng 770 tỷ đồng, giảm tới 90% so với cùng kỳ năm 2021.
Chứng khoán KIS cũng từng hạ dự báo lợi nhuận ròng năm 2022 của Hòa Phát xuống 10.600 tỷ đồng, tương ứng giảm 69% so với mức lãi ròng kỷ lục của năm 2021. Riêng trong quý 4, lợi nhuận ròng được cho sẽ chỉ đạt 120 tỷ đồng (-98%).
Tuy nhiên, thực tế cho thấy những cú “quay xe” của đội ngũ phân tích các CTCK dường như vẫn còn “quá tích cực”.
Hầu hết các phân tích của CTCK đều cho rằng vấn đề trong nước và toàn cầu đang kéo triển vọng ngành thép đi xuống. Thậm chí 2023 sẽ không phải là khoảng thời gian tốt cho ngành thép nói chung và Hoà Phát nói riêng khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại làm giảm nhu cầu thép. Các doanh nghiệp xuất khẩu thép Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng tương đối. Đồng thời, thị trường bất động sản trong nước chững lại cũng có thể làm giảm nhu cầu trong nước đối với các sản phẩm thép.
Dù vậy, SSI Research nhấn mạnh việc môi trường kinh doanh diễn biến không thuận lợi như vậy có thể là cơ hội để những công ty hàng đầu như HPG củng cố vị thế trên thị trường trong dài hạn. Hoà Phát cũng cho rằng ngành thép đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất và đang trên đà hồi phục. “Vua thép” đã và đang theo dõi sát diễn biến thị trường để điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh một cách linh hoạt, đảm bảo việc làm cho người lao động.
Kế hoạch sắp tới, tập đoàn tiếp tục đầu tư Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, phát triển thêm sản phẩm mới ngành hàng điện máy gia dụng,…
Nhìn lại năm 2022, đây là năm đánh dấu 30 năm hoạt động của Tập đoàn Hòa Phát. Trong năm, Hòa Phát đã cung cấp cho thị trường 7,2 triệu tấn thép, giảm 7% so với năm 2021, bao gồm phôi thép, thép xây dựng, thép cuộn cán nóng (HRC). Đóng góp chính vào sản lượng bán hàng là thép xây dựng và HRC. Thị trường xuất khẩu thép Hòa Phát đã mở rộng ở 5 châu lục.
Sản phẩm Ống thép của Hòa Phát cũng ghi nhận mức tăng sản lượng khoảng 11% so với năm 2021. Thị phần dẫn đầu cả nước với 28,5%. Tôn Hòa Phát nằm trong Top 5 DN có thị phần lớn nhất.
Ở các lĩnh vực kinh doanh khác, Hòa Phát đã chính thức đưa nhà máy sản xuất điện máy gia dụng tại Hà Nam vào hoạt động, ra mắt sản phẩm máy lọc nước, máy làm mát không khí. Với mảng nông nghiệp, Tập đoàn dẫn đầu về sản lượng cung cấp trứng gà sạch tại miền Bắc. Bất động sản khu công nghiệp của Hòa Phát đón nhận các nhà đầu tư thuê đất, mở rộng nhà xưởng.