Công ty Cổ phần Tập đoàn Sao Mai (mã CK: ASM) đã công bố BCTC quý 4/2022 và luỹ kế cả năm 2022.
Cụ thể, riêng quý 4 doanh thu thuần đạt 3.184 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn hàng bán cũng tăng cao nên lãi gộp đạt 333 tỷ đồng giảm nhẹ so với quý 4 năm ngoái, theo đó biên lãi gộp giảm từ 12,5% xuống còn 10,5%.
Trong kỳ doanh thu tài chính giảm 12,5% xuống còn 56 tỷ đồng, chi phí tài chính tăng mạnh từ 97 tỷ đồng lên hơn 181 tỷ đồng chủ yếu do tăng mạnh chi phí lãi vay. Chi phí bán hàng tăng nhẹ trong khi chi phí QLDN tăng cao từ 45,7 tỷ đồng lên gần 83 tỷ đồng.
Kết quả Sao Mai lãi sau thuế gần 66 tỷ đồng, giảm 63% so với cùng kỳ, trong đó LNST thuộc về công ty mẹ là gần 44 tỷ đồng – Đây là mức lãi ròng theo quý thấp nhất của ASM kể từ quý 4/2018.
Luỹ kế cả năm 2022, doanh thu thuần đạt 13.749 tỷ đồng, tăng 20,6% so với năm ngoái. Trong đó đóng góp chính vào doanh thu của ASM là cá xuất khẩu, thương mại và thức ăn cá.
Sau khi trừ các khoản chi phí, LNST đạt 963,3 tỷ đồng tăng gần 37% so với năm 2021 trong đó LNST công ty mẹ là 631 tỷ đồng tương đương EPS đạt 1.891 đồng.
Được biết, Sao Mai lên kế hoạch năm 2022 đạt doanh thu 14.700 tỷ đồng, tăng 28% và lợi nhuận sau thuế 1.630 tỷ đồng, gấp 2,2 lần thực hiện 2021. Tỷ lệ cổ tức dự kiến 20-30%.
Như vậy mặc dù kết quả kinh doanh năm 2022 tăng trưởng mạnh nhưng so với kế hoạch tham vọng này thì ASM mới chỉ hoàn thành được 93,5% kế hoạch về doanh thu và 59% kế hoạch lợi nhuận.
Tính tới 31/12/2022, tổng tài sản của Sao Mai tăng 5,2% so với đầu năm lên 19.111 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tài sản cố định ghi nhận 6.847,2 tỷ đồng, chiếm 35,8% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 4.165,3 tỷ đồng, chiếm 21,8% tổng tài sản; tồn kho ghi nhận 3.189,9 tỷ đồng, chiếm 16,7% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận 1.798,7 tỷ đồng, chiếm 9,4% tổng tài sản và các khoản mục khác.
Trong tài sản dài hạn khác, đáng chú ý lợi thế thương mại bất ngờ tăng 146,5% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 282,4 tỷ đồng lên 475,2 tỷ đồng. Công ty thuyết minh 475,2 tỷ đồng là giá trị lợi thế thương mại phát sinh từ việc mua Công ty con.
Bên nguồn vốn, tính tới cuối năm 2022, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 24,2% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 1.911,5 tỷ đồng lên 9.816,1 tỷ đồng và chiếm 51,4% tổng nguồn vốn.