Giá gas trong nước từ ngày mùng 1/2 lại tăng bởi áp lực từ mức tăng của giá gas trên thế giới.
Giá gas trong nước tăng mạnh bởi bị chi phối bởi giá gas thế giới
Theo thông báo của nhiều doanh nghiệp kinh doanh gas vào ngày 31/1, các doanh nghiệp này sẽ điều chỉnh tăng giá mặt hàng này từ ngày ½. Theo đó, mỗi bình gas loại 12 kg khi đến tay người tiêu dùng sẽ tăng trung bình 63.000-64.000 đồng; đối với loại 45 kg sẽ tăng 235.000-236.000 đồng/bình, tùy vào thương hiệu.
Cụ thể, thông báo của Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) cho thấy, từ ngày 1/2, giá bán gas Saigon Petro tăng 62.000 đồng/bình 12 kg. Với mức tăng này, người tiêu dùng sẽ phải bỏ ra 477.000 đồng để mua bình gas 12 kg của thương hiệu này.
Thương hiệu City Petro cho biết, các sản phẩm gas bán lẻ của doanh nghiệp loại 12kg sẽ tăng hơn 63.000 đồng/bình, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng ở mức 510.500 đồng/bình. Đối với loại bình gas 45kg tăng tới 236.000 đồng/bình, giá bán đến tay người tiêu dùng là 1.914.000 đồng/bình…
Mức tăng tương tự diễn ra ở thương hiệu gas của Công ty Cổ phần Kinh doanh LPG Việt Nam chi nhánh miền Nam.
Như vậy, tính từ đầu năm tới nay, giá gas đã có 1 lần tăng và 1 lần giảm. Giá của loại nhiên liệu này hiện tương đương với mức giá thời điểm hồi tháng 3-4/2022.
Lần này, giá gas trong nước trên đà tăng mạnh bởi giá gas thế giới tháng 2 tăng 192,5 USD/tấn so với tháng 1, chốt ở mức 790 USD/tấn. Trong khi đó, nguồn gas trong nước hiện đang nhập khẩu khoảng 60%. Đó chính là nguyên nhân khiến giá gas bị chi phối, ảnh hưởng bởi giá gas thế giới.
CPI tháng 1 tăng, giá gas, dịch vụ giáo dục giảm giúp kiềm chế tốc độ tăng CPI của tháng
Tổng cục Thống kê công bố báo cáo hôm 29/1 cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 đã tăng 0,52% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2022, chỉ số này tăng 4,89%. Lạm phát cơ bản trong tháng cũng tăng 5,21%.
So với tháng trước, lạm phát cơ bản tháng 1 đã tăng 0,46% và tăng 5,21% so với cùng kỳ năm trước. Con số này cao hơn mức CPI bình quân chung (+4,89%). Giá gas và giá dịch vụ giáo dục giảm là yếu tố chủ yếu giúp kiềm chế tốc độ tăng CPI trong tháng. Các nhóm hàng hóa, dịch vụ này thuộc trong nhóm được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.