Trong năm 2022, hai nhà bán lẻ xăng dầu lớn nhất cả nước là Petrolimex và PV Oil đã ghi nhận doanh thu tăng vọt.
Petrolimex và PV Oil thu số tiền “khủng” mỗi ngày
Petrolimex mới công bố báo cáo tài chính quý IV/2022. Theo ghi nhận, doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp này đều tăng. Theo đó, 78.383 tỷ đồng là doanh thu thuần từ bán xăng dầu và cung cấp dịch vụ đi kèm chỉ trong 3 tháng cuối năm của Petrolimex, tăng 59% so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên, giá vốn bán hàng trong quý IV tăng 60% so cùng kỳ, lên tới 74.097 tỷ đồng, chiếm gần 95% doanh thu thuần khiến cho lãi gộp chỉ còn 4.286 tỷ đồng.
Chi phí tài chính của Petrolimex trong quý IV tăng lên 560 tỷ đồng (chi phí lãi vay chiếm 168 tỷ đồng); chi phí bán hàng tăng 34% lên 3.191 tỷ đồng; chi phí quản lý giảm 4 tỷ đồng, ở mức 241 tỷ đồng.
Lợi nhuận ròng quý IV của tập đoàn xăng dầu này tăng 102% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1.414 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm 2022, doanh thu thuần của nhà bán lẻ xăng dầu lớn nhất cả nước đạt 304.080 tỷ đồng, tương đương doanh thu với 833 tỷ đồng/ngày. Tuy nhiên, lãi sau thuế cả năm giảm 39% so với năm 2021, chỉ ghi nhận ở mức 1.913 tỷ đồng, do giá vốn bán hàng tăng cao tới 291.758 tỷ đồng.
Quy mô tổng tài sản của Petrolimex tính đến ngày 31/12/2022 đạt 73.811 tỷ đồng, so với đầu năm tăng gần 14%. Trong đó, hàng tồn kho là 17.234 tỷ đồng, so với thời điểm đầu năm tăng 4.071 tỷ đồng, trích lập dự phòng giảm giá gần 68 tỷ đồng.
Doanh thu thuần của Petrolimex cả năm 2022 là 104.279 tỷ đồng, tương đương mỗi ngày thu về hơn 285 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế giảm nhẹ so với năm ngoái, đạt 726 tỷ đồng. Con số này cũng thấp hơn nhiều so với kết quả kinh doanh của Petrolimex.
Đối với PV Oil, công ty này tính riêng quý IV ghi nhận hơn 24.662 tỷ đồng doanh thu thuần, so với cùng kỳ năm ngoái tăng 23%. Lợi nhuận ròng quý này của PV Oil đạt 295 tỷ đồng, tăng gần 16% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, hàng tồn kho của PV Oil so với ông lớn Petrolimex ở mức thấp chỉ 2.940 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Ngoài ra, trích lập dự phòng giảm giá khoảng 22 tỷ đồng.
Nguyên nhân lợi nhuận tăng
Petrolimex giải trình, lợi nhuận của doanh nghiệp từ hoạt động kinh doanh xăng dầu quý IV tăng so với cùng kỳ do giá cơ sở đã được liên Bộ điều chỉnh kịp thời, phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới cũng như chi phí khâu tạo nguồn và lưu thông thực tế.
Doanh nghiệp bên cạnh đó còn cho biết, lợi nhuận từ hoạt động tài chính tăng trong quý IV chủ yếu đến từ việc, cuối tháng 11/2022, tỷ giá có xu hướng giảm dẫn đến phát sinh lãi chênh lệch tỷ giá khoảng 300 tỷ đồng. Trong khi đó ở cùng kỳ phát sinh lỗ 18 tỷ đồng.
Đối với PV Oil, lợi nhuận sau thuế 3 tháng cuối năm tăng theo doanh nghiệp là do chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn cùng kỳ làm tăng lợi nhuận. Sản lượng tiêu thụ tăng nhưng giá hàng hóa, dịch vụ tăng đã làm ảnh hưởng đến các khoản chi phí hoạt động liên quan khiến lợi nhuận trước thuế giảm.
Trên thị trường Việt Nam, Petrolimex hiện đang sở hữu hơn 50% thị phần kinh doanh, bán lẻ xăng dầu. Trong khi đó, PV Oil chiếm khoảng trên 20%.
Đây cũng là 2 doanh nghiệp nắm trong tay số lượng điểm bán, cây xăng nhiều nhất. Trong đó, Petrolimex hiện có 43 đơn vị thành viên trực tiếp kinh doanh xăng dầu trên toàn quốc với 5.500 cửa hàng xăng dầu. PV Oil đang vận hành và quản lý hơn 600 cửa hàng xăng dầu trực thuộc và hơn 3.000 đại lý.
Thị trường xăng dầu năm 2023 được dự báo là vẫn có thể còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Theo ông Phạm Văn Thanh – Chủ tịch HĐQT Petrolimex – năm 2023 được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức khi thế giới đối mặt với nguy cơ một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu.