Lực bán ròng mạnh khiến VN-Index chìm sâu trong biển đỏ, liệu rằng thị trường chứng khoán Việt Nam có gặp cơn ác mộng khi mất phanh lao thẳng xuống vực 1.000 điểm hay không?
Khối ngoại quay đầu bán ròng 82 tỷ
Chứng khoán Việt Nam khởi đầu tuần mới bằng phiên giao dịch đầy biến động. Đến hết phiên giao dịch 14/2, thị trường mất điểm khiến các nhà đầu tư hoang mang và sợ hãi. Lực bán dâng cao tại nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn khiến VN-Index chìm trong sắc đỏ, có thời điểm giảm mạnh đến 23 điểm. Lực cầu nhanh chóng nhập cuộc sau phiên ATC khiến thị trường thu hẹp đà giảm đáng kể xuống còn 11 điểm, song biến động trong phiên vẫn khá lớn.
Hàng loạt cổ phiếu kéo sàn, dư bán sàn chất hàng triệu đơn vị như HPX, PDR, NBB, DXG, CRE,.. Bên cạnh đó, nhiều trụ cứng như VHM, VIC, NVL… giảm sâu cũng kéo lùi điểm số của thị trường.
Khối tự doanh công ty chứng khoán bán ròng 125.5 tỷ đồng. FPT, VPB và ACB là những mã cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất, với giá trị từ 9 – 12 tỷ đồng.
Kết phiên, VN-Index giảm 12 điểm (tương đương 1,170%), lùi về sát mốc 1.043 điểm. Thị trường chìm trong sắc đỏ với 700 mã giảm điểm, áp đảo hoàn toàn so với mã tăng. Thanh khoản tăng vọt trong biến động mạnh khi giá trị giao dịch vượt 10.400 trên HOSE.
Điều gì khiến thị trường biến động mạnh?
Theo ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam, biến động mạnh của thị trường trong phiên đến từ một số yếu tố.
Thứ nhất, những tin đồn chưa được kiểm chứng xoay quanh một công ty quản lý quỹ lớn tại Việt Nam vào cuối tuần qua. Trong bối cảnh tâm lý thị trường yếu và thiếu vắng thông tin hỗ trợ, khi xuất hiện tin đồn tiêu cực thì ngay lập tức sẽ phản ứng mạnh.
Thứ hai, tác động tiêu cực của nhóm bất động sản ảnh hưởng đến thị trường. Hàng loạt cổ phiếu BĐS nằm sàn trước thềm cuộc họp quan trọng của Thủ tướng về giải pháp phát triển thị trường BĐS. Nhiều nhà đầu tư e ngại về kết quả cuối cùng của cuộc họp liệu có giải quyết triệt để vấn đề dòng tiền của doanh nghiệp hay không, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khách hàng và các nhóm nợ.
Bên cạnh đó, tháng 3 tới là thời điểm các doanh nghiệp đáo hạn nợ trái phiếu. Với tính hình trên, chuyên gia lo ngại nhiều doanh nghiệp sẽ có không có khả năng thanh toán trả nợ trái phiếu.
Thứ ba, dòng tiền khối ngoại– lực đỡ quan trọng của thị trường trong thời gian qua đang có hạ nhiệt rõ rệt. Nguyên nhân bởi khối ngoại đã mua ròng rã từ tháng 11 đến nay, song thị trường vẫn chưa hồi phục mạnh nên vẫn phải giảm mua để chờ vùng giá thấp. Đặc biệt, quỹ ETF cũng mua khá nhiều trong thời gian qua nên dư địa giảm dần. Chuyên gia cho rằng vốn ngoại sẽ chỉ mang tính chất ổn định tâm lý chứ không phải yếu tố giúp thị trường ngừng “rơi”.
Về thế giới, sau những số liệu kinh tế tốt, giới đầu cơ lo ngại FED sẽ tiếp tục quá trình tăng lãi suất. Đồng Dollar và lợi suất trái phiếu tăng trở lại trong thời gian gần đây. Điều này cũng khiến thị trường chứng khoán thế giới điều chỉnh giảm sau những nhịp tăng mạnh.
Về trong nước, tâm lý nhà đầu tư xấu trước kết quả kinh doanh quý 4 không khả quan và những dữ liệu kinh tế cho thấy nền kinh tế tăng trưởng chậm lại; Khối ngoại không còn mua ròng mạnh các phiên gần đây; Các thông tin xấu liên tục của các doanh nghiệp lớn, đặc biệt trong lĩnh vực BĐS. Trong thời kỳ nền kinh tế yếu, những thông tin như trên sẽ xuất hiện dày đặc; Một số thông tin chưa được kiểm chứng vào cuối tuần trước được lan truyền về thao túng 1 số mã cổ phiếu tác động đến tâm lý nhà đầu tư.
VN-Index liệu có về 1.000 điểm?
Dự báo về diễn biến thị trường trong những phiên tiếp theo, ông Nguyễn Thế Minh cho rằng cần có thời gian để thị trường thẩm thấu trước những tin đồn. Tuy nhiên, cứ điểm quan trọng là 1.037 điểm vẫn được giữ vững nên khả năng về 1.000 điểm không cao nếu không có thêm yếu tố bất ngờ. Theo chuyên gia, mốc 1.010 điểm vẫn là ngưỡng hỗ trợ tiếp theo của chỉ số. Nhiều cổ phiếu đã rơi về vùng giá hấp dẫn nên khả năng cao sẽ kích thích cầu bắt đáy giúp thị trường có nhịp hồi ngắn hạn trong những phiên tới.
Còn theo ông Bùi Văn Huy, khả năng thị trường về quanh ngưỡng 1.000 có thể xảy ra khi tâm lý nhà đầu tư cá nhân đang rất yếu. Chuyên gia DSC nhận diện thị trường đang trong giai đoạn giao pha, trong thời điểm này tin xấu thường dày đặc và tâm lý thị trường không ổn định.
Trong giai đoạn này, thị trường đ ingang trong biên, diễn biến rất khó chịu, thử thách tâm lý. Ai cũng hiểu thị trường yếu là cơ hội mua, nhưng điều quan trọng là có vượt qua được tâm lý hay không.
Dù vậy, ông Huy cho rằng những tín hiệu đầu tiên từ thị trường trái phiếu và lãi suất cho thấy 3-6 tháng nữa khả năng cao chính sách tiền tệ sẽ đảo chiều. Nhà đầu tư có thể canh mua được trong những phiên thị trường giảm mạnh. Tuy nhiên, cần cân nhắc các doanh nghiệp có thể tồn tại qua quãng thời gian khó khăn này.
ViMoney tổng hợp
Các quan điểm và ý kiến được thể hiện bởi tác giả, hoặc bất kỳ người nào được đề cập trong bài viết này, chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin và chúng không cấu thành lời khuyên về tài chính, đầu tư hoặc các lời khuyên khác