Từ ngày 21/2 đến nay, chỉ trong 3 ngày, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) có 26 lần công bố kết quả mua lại trái phiếu trước hạn. Đây chủ yếu là những lô trái phiếu phát hành năm 2019, 2020, tổng giá trị mua lại hơn 1.000 tỷ đồng. Với kỳ hạn 7 năm, phải đến 2026, 2027, các lô trái phiếu này mới đáo hạn, nhưng hiện nay đã được ngân hàng tức tốc mua lại.
Các lô trái phiếu được mua lại 1 phần là TPBH2027020, TPBH2027016, TPBANKBOND_A2_23042020_07, TPBANKBOND_A2_05032020_07, TPBANKBOND_A2_26032020_07, TPBH2027014, TPBANKBOND_A2_07052020_07, TPBANKBOND_A2_19122019_07, TPBANKBOND_A2_28112019_07, TPBANKBOND_A2_09042020_07, TPBANKBOND_A2_16012020_07, TPBANKBOND_A2_13022020_07…
Ngoài TPBank, hôm nay (23/2), Ngân hàng Thương mại cổ phần Bản Việt (BanVietBank) công bố mua lại toàn bộ lô trái phiếu BVBLH2128004, tổng giá trị 100 tỷ đồng. Đây là lô trái phiếu phát hành ngày 18/11/2021, kỳ hạn 7 năm. Vừa qua, BanVietBank còn mua lại 4 lô trái phiếu khác, phát hành trong các năm 2020, 2021.
Cũng trong ngày, CTCP Chứng khoán Rồng Việt công bố mua lại toàn bộ lô trái phiếu VDSH2224003, và một phần lô VDSH2223005. Tổng giá trị trái phiếu được mua lại là hơn 22,2 tỷ đồng. Lô trái phiếu VDSH2224003 sẽ đáo hạn vào tháng 9/2024, lô còn lại đáo hạn vào 7/2023.
Ngoài nhóm ngân hàng, chứng khoán, tuần qua còn có CTCP Tập đoàn Gelex công bố mua lại một phần của 2 lô trái phiếu phát hành năm 2020, tổng giá trị mua lại hơn 150 tỷ đồng. Công ty TNHH Điện gió Phước Hữu – Duyên Hải 1 mua lại 10 tỷ đồng trái phiếu (50% giá trị) của lô PHDCH2123002 sẽ đáo hạn vào tháng 8/2023.
CTCP Năng lượng Tái tạo Sơn Mỹ tiếp tục mua lại 5 tỷ đồng trái phiếu trước hạn của lô SSCCH1923003.
CTCP Cá Tầm Việt Nam cũng mua lại gần 620 tỷ đồng trong số 718 tỷ đồng trái phiếu đang lưu hành của lô CTVCH2224001. Chỉ trong tháng 2, đây là lần thứ 3 doanh nghiệp này mua vào trái phiếu trước hạn.
Các doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn giá trị đáng kể từ đầu năm 2023 đến nay còn có: CTCP Chứng khoán Kỹ thương (hơn 600 tỷ đồng), CTCP Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Hà An (175 tỷ đồng), CTCP xây dựng và quản lý dự án số 1 (300 tỷ đồng), CTCP Đầu tư và Du lịch T&M Vân Phong (gần 370 tỷ đồng), CTCP Phát triển Golf Thiên Đường (244 tỷ đồng), Xây dựng Hoà Bình (250 tỷ đồng), CTCP Du lịch Thung lũng Nữ hoàng (144 tỷ đồng), CTCP Đầu tư Dịch vụ vui chơi giải trí thể thao Hà Nội (225 tỷ đồng)…
Theo dữ liệu Hiệp hội thị trường trái phiếu (VBMA), năm 2023 sẽ có khoảng 285.178 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. Áp lực đáo hạn lớn rơi vào quý II và quý III. Việc các doanh nghiệp chủ động mua trái trái phiếu trước hạn sẽ giúp làm giảm bớt áp lực này.
Bộ Tài chính đang tiến hành lấy ý kiến sửa đổi Nghị định 65 theo hướng sẽ cho doanh nghiệp thêm hai năm để giãn nợ trái phiếu, giúp giảm áp lực đáo hạn.
Hiện Nghị định 65 quy định, doanh nghiệp bắt buộc phải mua lại trái phiếu trước hạn khi vi phạm phương án phát hành (trong đó có phương án sử dụng vốn) hoặc vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, trước và sau khi phát hành trái phiếu, doanh nghiệp phải công bố thông tin về khả năng đảm bảo thanh toán, báo cáo kiểm toán tình hình tài chính và kiểm toán tình hình sử dụng vốn theo mục đích phát hành công bố.