VN-Index – thị trường chứng khoán trong nước khép lại tuần giảm thứ 2 liên tiếp. Đáng nói, mức thanh khoản của nó thấp nhất kể từ giữa tháng 11/2020.
Áp lực bán ở mọi nhóm ngành
Phiên đầu tuần, VN-Index giảm điểm mạnh dưới áp lực bán ở tất cả các nhóm ngành. Đặc biệt, có cả sự xuất hiện của nhiều mã Bluechip thuộc VN30 tạo tác động tiêu cực đến thị trường.
Tuy nhiên, ngay khi chỉ số chính giảm xuống vùng hỗ trợ quanh 1.020 lực cầu bắt đáy dần xuất hiện trở lại giúp chỉ số chung bật nảy vào phiên ngày 1/03, quay lên vùng điểm 1030. Tuy nhiên, đà hồi phục không thể trụ vững tới cuối tuần khi không có nhiều thông tin hỗ trợ trên thị trường.
Kết thúc tuần giao dịch (27/2-3/3), VN-Index giảm 14,79 điểm (-1,4%) xuống 1.024,77 điểm, HNX-Index giảm 2,43 điểm (-0,61%) xuống 204,89 điểm. Giá trị giao dịch trên HoSE giảm 31,5% so với tuần giao dịch trước đó xuống 37.622 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 29,9% xuống 2.275 triệu cổ phiếu.
Giá trị giao dịch trên HNX giảm 35,7% xuống 4.360 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 32,3% xuống 291 triệu cổ phiếu.
MSN, VCB, MWG và GAS là những mã cổ phiếu có tác động tiêu cực nhất đến VN-Index. Trong đó, riêng MSN lấy đi gần 3,4 điểm của chỉ số này. Trong khi đó, BID, VJC, VNM và STB là những cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất trong tuần.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng trên hai sàn trong tuần qua với giá trị ròng đạt 1.181,23 tỷ đồng. Xét theo khối lượng ròng, DXG là mã chứng khoán bị bán ròng nhiều nhất với 13 triệu cổ phiếu.
Tiếp theo là SSI và HPG với lần lượt 8,8 và 8,2 triệu cổ phiếu bị bán ròng. Ở chiều ngược lại, POW là mã chứng khoán được mua ròng nhiều nhất với 4,9 triệu cổ phiếu.
SHS nhận định về diễn biến trên cho thấy, VN-Index gần như đã không còn duy trì được kênh hồi phục ngắn hạn, với trạng thái hiện tại, kịch bản tích cực nhất có thể kỳ vọng là chỉ số chính sẽ duy trì biên độ dao động hẹp với khối lượng giao dịch cạn kiệt để đi vào vùng tích lũy.
Trường hợp xấu hơn, có thể VN-Index sẽ quay trở lại kênh downtrend trung hạn nhằm hướng tới việc test lại đáy 920-950.
Nhóm phân tích này đánh giá thị trường trong ngắn hạn đang không có nhiều cơ hội giải ngân khi kịch bản tích cực vẫn chỉ là kỳ vọng tích lũy cạn kiệt.
Các nhận định tương lai cho VN-Index
Đối với đầu tư trung – dài hạn, cho dù VN-Index có trở lại vận động trong kênh downtrend trung hạn thì khu vực 920-950 vẫn có thể trở thành ngưỡng hỗ trợ mạnh và là vùng đáy trung hạn do mặt bằng giá cổ phiếu đã giảm tương đối và trở nên hấp dẫn đồng thời có nhiều cổ phiếu chủ chốt vẫn vẫn động tích cực nên việc thị trường giảm điểm vẫn là cơ hội tăng tỷ trọng danh mục đầu tư.
VCBS phân tích về góc nhìn kỹ thuật cho biết, áp lực bán quay trở lại trong phiên giao dịch cuối tuần khiến VN-Index hình thành nến đỏ giảm điểm tiêu cực. Tại khung đồ thị ngày, các chỉ báo vẫn đồng loạt hướng xuống tiêu cực và chưa có dấu hiệu tạo đáy cho điểm cân bằng, rủi ro trong ngắn hạn của thị trường đã tăng dần lên. Hỗ trợ gần nhất của thị trường vẫn đang nằm quanh khu vực 1.020.
“Trong trường hợp tích cực, VN-Index sẽ kiểm tra lại vùng điểm 1.020 điểm và hồi phục,. Nhà đầu tư ngắn hạn khi đó có thể cân nhắc gia tăng tỷ trọng từ 10 – 20% đối với những cổ phiếu đã khả dụng trong danh mục.
Ngược lại, nếu áp lực bán tiếp tục gia tăng khiến chỉ số chung giảm dưới hỗ trợ, các nhà đầu tư nên nâng cao tỉ trọng tiền mặt kịp thời để hạn chế rủi ro trong ngắn hạn, VCBS đưa khuyến nghị.
MBS lại cho rằng, trong 9 phiên trở lại đây, thị trường chỉ hồi phục vỏn vẹn 2 phiên, lực cầu rất kiên trì không đuổi giá trong các nhịp hồi. Với diễn biến như vậy khả năng nhịp điều chỉnh của thị trường còn tiếp diễn. Thanh khoản ngày càng giảm cho thấy sau hoạt động bắt đáy không thành công, nhà đầu tư sẽ thận trọng và các lần giải ngân tiếp theo chỉ là mua thăm dò trong bối cảnh trong nước hiện không có thông tin hỗ trợ.
Về kỹ thuật, nhóm phân tích này dự báo chỉ số VN-Index có thể kiểm tra ngưỡng tâm lý 1.000 điểm khi thanh khoản tiếp tục xuống thấp hơn và người bán phải hạ giá để tìm kiếm lực cầu mua dài hạn.