Qua thời “đỉnh cao”, doanh nghiệp phân bón tỏ ra thận trọng
2022 đánh dấu một năm tăng trưởng rực rỡ của doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh phân bón. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, cả nước xuất khẩu trên 1,75 triệu tấn phân bón các loại năm 2022, tương đương trị giá xuất khẩu trên 1,09 tỷ USD. Đây là con số kỷ lục từng ghi nhận đối với ngành hàng phân bón và mức tăng trưởng ấn tượng 96% so với cùng kỳ năm trước.
Nhìn vào bức tranh từng tháng, kim ngạch xuất khẩu phân bón đã đạt đỉnh vào những tháng đầu năm 2022 trước khi sụt giảm từ những tháng cuối năm cho tới nay.
Việc xuất khẩu thuận lợi kèm theo giá bán phân bón tăng vọt do ảnh hưởng từ xung đột Nga – Ukraine giúp hàng loạt “tên tuổi” trong ngành báo lãi đột biến. Nhờ vậy, cổ phiếu nhóm phân bón “nổi sóng” trong năm 2022 là điều không quá bất ngờ.
Sự tăng trưởng lợi nhuận nhóm phân bón thời “đỉnh cao” đã phản ánh vào thị giá hầu hết các cổ phiếu khi tạo đỉnh trong quý 1/2022. Tuy nhiên, đà giảm tốc về lợi nhuận từ cuối năm, thậm chí có doanh nghiệp ngậm ngùi chịu lỗ quý 4 vừa qua khiến giá cổ phiếu chiết khấu sâu. So với đỉnh xác nhận vào cuối tháng 3/2022, các cổ phiếu trong ngành phân bón đều giảm sâu như DCM (-48%); DPM (-50%); LAS (-61%); PSW (-66%); DDV (-71%),…Kết phiên 3/3, các cổ phiếu này gần như đánh rơi toàn bộ thành quả tăng giá trước đó.
Bước sang năm 2023, số lượng các doanh nghiệp công bố kế hoạch là chưa nhiều, bức tranh kế hoạch lợi nhuận chỉ mới dần hé lộ. Song phần lớn đều đặt chỉ tiêu tăng trưởng khá thận trọng, thậm chí “đi lùi” 2 chữ số so với kết quả năm 2022.
Nhận diện được thách thức còn nhiều, Đạm Phú Mỹ (mã DPM) lên kế hoạch doanh thu 17.372 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 2.250 tỷ đồng; lần lượt giảm 7,3% và 60% so với thực hiện năm 2022. Trước đó, DPM báo lãi ròng 5.586 tỷ đồng cả năm 2022, ghi nhận mức cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động.
Không nằm ngoài dự báo, một doanh nghiệp “tên tuổi” ngành phân bón khác là Đạm Cà Mau (mã DCM) dù đạt mức doanh thu cao kỷ lục trên 15.900 tỷ và lãi sau thuế 4.281 tỷ đồng năm vừa qua song vẫn tỏ ra rất thận trọng trong kế hoạch kinh doanh năm nay.
Cụ thể, DCM lên kế hoạch kinh doanh hợp nhất năm 2023 với tổng doanh thu đạt 13.458,5 tỷ đồng; chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế là 1.383 tỷ đồng đều thấp hơn rất nhiều so với kết quả đạt được năm 2022. Thậm chí, chỉ tiêu lợi nhuận năm 2023 của DCM chỉ bằng 1/3 thực hiện năm 2022.
Bên cạnh đó, Phân bón Bình Điền (mã: BFC) cũng “cài số lùi” cho kế hoạch kinh doanh 2023. Trong đó, công ty đặt mục tiêu doanh thu hơn 7.476 tỷ và lợi nhuận trước thuế 220 tỷ đồng, lần lượt giảm 14% và 7% so với thực hiện năm trước. Riêng trong quý 1 này, công ty lên kế hoạch chỉ tiêu doanh thu 1.355 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế dự kiến 20 tỷ đồng. Theo kế hoạch, lợi nhuận quý 1 giảm mạnh 81% so với mức kỷ lục cùng kỳ đạt được.
Giá bán ure hạ nhiệt nhanh chóng tạo ra nhiều thách thức
Theo Hiệp hội phân bón Việt Nam, sau đà tăng phi mã trong vòng 50 năm trở lại đây, giá phân bón đã có dấu hiệu hạ nhiệt với việc Trung Quốc bắt đầu mở cửa trở lại và không còn hạn chế xuất khẩu 29 loại phân bón, nguồn cung phân bón trên thị trường thế giới không còn tình trạng khan hiếm cục bộ.
Dữ liệu từ tradingeconomics.com cho biết, giá Urea thế giới tiếp tục lao dốc xuống mức 385 USD/tấn, thấp hơn 63% so với đỉnh hồi tháng 4/2022 và giảm 23% so với đầu năm nay.
Đây là một tín hiệu kém khả quan cho các doanh nghiệp phân bón và có thể là yếu tố quan trọng khiến ban lãnh đạo các doanh nghiệp này đưa ra kế hoạch kinh doanh 2023 có phần thận trọng.
Sang năm 2023, Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng các doanh nghiệp phân bón sẽ đối mặt với áp lực tăng trưởng âm trước mức nền cao trong năm 2022. Thêm vào đó, giá bán Ure sẽ chịu áp lực điều chỉnh bởi nguồn cung Ure tăng do Trung Quốc tăng lượng xuất khẩu và nhu cầu nhập khẩu của Ấn Độ suy yếu. Sau cùng, BSC dự báo biên lợi nhuận các doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ thu hẹp so với mức nền so sánh cao của năm 2022.
Chung quan điểm, SSI Research nhận định giá ure có thể lao dốc trong năm 2023 do xuất khẩu ure từ Nga và Trung Quốc sẽ phục hồi. Đồng thời, trước lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và sự điều chính giá của các mặt hàng nông nghiệp khiến nhu cầu ure suy yếu trong năm 2023. Trước đó, giá ure không tăng trong mùa cao điểm quý 4/2022, điều này phản ánh nhu cầu có thể tiếp tục giảm đi vào năm 2023.
Mặt khác, Chứng khoán KIS Việt Nam đánh giá quý 1/2023 sẽ là mùa thấp điểm tiêu thụ với giá bán ure nội địa trong xu hướng giảm. Khi triển vọng xuất khẩu không còn, các công ty như DPM, DCM sẽ phải tập trung chủ yếu vào thị trường nội địa và cạnh tranh gay gắt với các đối thủ khác.
Đội ngũ phân tích KIS đánh giá ngành phân bón Việt Nam không có quá nhiều triển vọng tăng trưởng cả về giá bán và sản lượng tiêu thụ. Tuy nhiên, do căng thẳng chính trị toàn cầu, nguồn cung phân bón có thể bị thu hẹp ở một số quốc gia và đây sẽ là một “cơ duyên” nữa cho các nhà sản xuất phân bón Việt Nam, nhưng do cơ hội này có thể không quá rõ ràng, đặc biệt là trong quý 1/2023, do đó các nhà đầu tư vẫn cần cẩn trọng.