Đơn từ nhiệm vị trí Tổng giám đốc của ông Nguyễn Ngọc Huyên đã được HĐQT Novaland thông qua. Cùng với đó, ông Dennis Ng Teck Yow được bổ nhiệm thay thế vị trí này.
Ông Dennis Ng Teck Yow đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc Novaland
Sáng ngày 17/3, HĐQT CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland – HoSE: NVL) đã có các nghị quyết về nhân sự ở vị trí Tổng giám đốc.
Cụ thể, HĐQT Novaland đã thông qua đơn từ nhiệm vị trí Tổng giám đốc của ông Nguyễn Ngọc Huyên, đồng thời quyết định bổ nhiệm ông Dennis Ng Teck Yow giữ chức vụ này trong nhiệm kỳ 2023 – 2028. Từ ngày 17/3/2023, các quyết định có hiệu lực.
Không chỉ tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị kinh doanh (MBA) tại trường Đại học Hull, Anh Quốc, ông Dennis Ng Teck Yow cũng là thành viên của nhiều hiệp hội về Tài chính – Ngân hàng và Xây dựng quốc tế.
Ông có nhiều năm kinh nghiệm dẫn dắt đội ngũ triển khai các Dự án thương mại, Dự án nhà ở, khu Đô thị tích hợp…chuẩn mực trong nước và quốc tế. Chưa kể, ông còn đảm nhận nhiều chức vụ cấp cao tại các Tập đoàn quốc tế ở nhiều lĩnh vực, có thể kể đến như phát triển chiến lược kinh doanh, thẩm định đầu tư, tài chính, kế toán hay xây dựng bộ máy tổ chức nhân sự…
Ông từng là Tổng Giám đốc của Gamuda Land Việt Nam trước khi được bổ nhiệm là Tổng Giám đốc Novaland.
Ông Dennis Ng Teck Yow có gần 30 năm kinh nghiệm và đã đảm nhận nhiều vị trí điều hành cấp cao khác nhau trong việc phát triển chiến lược kinh doanh, đầu tư và phát triển Dự án, phát triển đội ngũ, phân tích và hoạch định tài chính… tại các công ty đầu tư và quản lý Bất động sản trong nước và quốc tế.
Novaland đang hoạt động ra sao?
Novaland cho biết đang tập trung hoàn thiện các dự án trọng điểm, bàn giao nhà theo từng giai đoạn cho khách hàng; cùng với đó là linh hoạt điều chỉnh kế hoạch triển khai xây dựng các phân khu dự án sao cho phù hợp với tình hình hiện tại.
Công ty cũng đang thực hiện thương lượng, đàm phán với các tổ chức tín dụng nhằm thu xếp nguồn vốn, song song nỗ lực phối hợp với các địa phương tháo gỡ, hoàn thiện pháp lý các dự án trong thời gian sớm nhất.
Novaland muốn cổ đông thông qua việc ủy quyền cho HĐQT quyết định việc thực hiện tái cấu trúc Công ty bao gồm việc thương lượng và triển khai phát hành mới cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi, các công cụ khác để tăng vốn hoạt động kinh doanh, tái cấu trúc tài chính (bao gồm cả hoán đổi cổ phần, hoán đổi nợ thành cổ phiếu hoặc tài sản).
Tại phương án phát hành cổ phiếu mới, Novaland dự kiến phát hành hơn 975 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá không thấp hơn 10.000 đồng/cp. Như vậy số tiền thu về nếu chào bán thành công 100% lượng cổ phiếu không dưới 9.750 tỷ đồng.
Số tiền thu về sẽ được dùng để đầu tư góp thêm vốn vào công ty con để tái cơ cấu nơ và thanh toán các khoản nợ phải trả đến hạn; thực hiện các dự án mà công ty con là chủ đầu tư; thanh toán các khoản thuế và phải nộp Nhà nước của công ty con và bổ sung vốn lưu động. Đối tượng phát hành là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và nhà đầu tư chiến lược.
Novaland đồng thời dự kiến chào bán thêm 1,95 tỷ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương ứng tỷ lệ thực hiện là 1:1 (cổ đông sở hữu mỗi 1 cổ phiếu sẽ có quyền mua 1 cổ phiếu mới), giá bán không thấp hơn 10.000 đồng/cp. Như vậy, nếu thành công chào bán 100% phương án, Novaland tối thiểu có thể thu về 19.500 tỷ đồng.
Công ty dự kiến sử dụng số tiền thu về nhằm tái cơ cấu nợ và thanh toán các khoản nợ đến hạn của Công ty; thanh toán chi phí lương cho cán bộ nhân viên; thanh toán chi phí vận hành chung và thực hiện các dự án do Công ty làm chủ đầu tư.
2 phương án trên đều được thực hiện trong năm 2023 hoặc theo quyết định của HĐQT sau khi UBCKNN cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng.
Trong trường hợp cả hai phương án phát hành đều được thông qua và thực hiện thành công 100%, vốn điều lệ của Novaland sẽ tăng gấp khoảng 2,5 lần, từ gần 19.500 tỷ lên 48.700 tỷ đồng và trở thành 1 trong những doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.