Lợi nhuận của F88 năm 2022 tăng gấp 4 lần lên hơn 211 tỷ đồng. Đây là mức lãi được đánh giá là cao nhất từ trước đến nay của doanh nghiệp cầm đồ này.
Lợi nhuận tăng mạnh, tham vọng của F88 năm 2023
Trong báo cáo thông tin định kỳ về tài chính doanh nghiệp, F88 ghi nhận mức lãi hơn 211 tỷ đồng năm 2022. So với số lãi của năm 2021, doanh nghiệp này tăng gấp hơn 4 lần, cũng là mức lãi cao nhất từ trước đến nay.
Đặc biệt, vốn chủ sở hữu của F88 đã tăng gần gấp đôi, từ 485 tỷ đồng năm trước đó lên 853 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) tăng đáng kể từ 11,1% lên 31,6% so với năm 2021.
Trong khi hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tăng từ 3,6 lên 4,2 lần thì dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu giảm từ 3,6 năm trước xuống 1,7. Mức dư nợ tương ứng tại thời điểm cuối năm ngoái là 1.450 tỷ đồng.
Theo công bố của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), năm 2021 và 2022, F88 đã phát hành 20 lô trái phiếu và huy động thành công hơn 2.300 tỷ đồng. Dư nợ trái phiếu của F88 hiện còn khoảng 770 tỷ đồng, đều đáo hạn trong khoảng thời gian từ tháng 5-9 năm nay. Lãi suất của các lô trái phiếu này dao động 10-11,5%/năm.
Vốn điều lệ của F88 đang ở mức gần 567 tỷ đồng. Ông Phùng Anh Tuấn là người đại diện pháp luật luật, đồng sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc điều hành toàn bộ hoạt động của chuỗi.
F88 có kế hoạch tìm các nhà đầu tư chiến lược từ nước ngoài cho đợt IPO trước cuối năm 2023 với mục tiêu có thể đạt vốn hóa thị trường khoảng 1 tỷ USD khi niêm yết trên sàn HoSE vào năm 2024.
Thậm chí, F88 còn tham vọng năm 2023 sẽ cán mốc 1.000 chi nhánh khắp cả nước và đến 1.700 cửa hàng vào năm 2025, trở thành tập đoàn cung cấp dịch vụ tài chính số một Việt Nam với sự hậu thuẫn của các nhà đầu tư nước ngoài.
Những “bê bối” vướng phải thời gian gần đây
Mới đây, Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an đã phối hợp với Công an TP.HCM thực hiện khám xét khẩn cấp trụ sở Công ty Cổ phần Kinh doanh F88 và nhiều chi nhánh khác tại TP.HCM nhằm điều tra về hành vi Cưỡng đoạt tài sản. Tại chi nhánh TP.HCM, 10 bị can là trưởng nhóm và nhân viên đã bị cơ quan điều tra khởi tố.
Chưa hết, công an hàng loạt tỉnh thành khác như Hà Nam, Long An, Bắc Giang, Đà Nẵng… đã tiến hành ra quân rà soát, kiểm tra hành chính nhiều chi nhánh của F88.
Vài năm gần đây, F88 nổi lên trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, đặc biệt là mảng cho vay tiền và cầm cố tài sản. Nhóm dưới chuẩn (không đủ tiêu chuẩn vay ngân hàng) là khách hàng chủ yếu của công ty này. Bên cạnh lãi suất cố định hơn 13%/năm, F88 còn áp dụng thêm nhiều chi phí liên quan. Do đó, tổng chi phí vay lên tới 56%/năm.
Về tình hình huy động vốn, đầu năm nay, chuỗi cầm đồ này đã huy động thành công 50 triệu USD (1.185 tỷ đồng) trong vòng gọi vốn Series C bởi các nhà đầu tư gồm quỹ Việt Nam-Oman (VOI) và quỹ Mekong Enterprise Fund IV (MEF IV). Trong đó, VOI góp tới 30 triệu USD.
Tuy nhiên, sau “bê bối” bị khám xét ở chi nhánh TP HCM, SCIC – Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước Việt Nam cho hay, VOI không trực tiếp thực hiện đầu tư vào F88 mà chỉ đóng vai trò tư vấn đầu tư và quản lý tài sản theo hợp đồng dịch vụ giữa VOI và Ủy ban Đầu tư Vương quốc Oman (Oman Investment Authority).
Trước đó, trong năm 2022, F88 đã huy động được 70 triệu USD từ các quỹ ngoại CLSA Capital Partners (HK) Limited (Lending Ark) và Lendable (London).