Đề xuất bán bất động sản trên giấy phải qua sàn được Chính phủ đưa vào dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 5/4.
Lý do Chính phủ đề xuất lại việc bán bất động sản trên giấy qua sàn
Trong lần sửa đổi này, Chính phủ đã đề xuất áp dụng trở lại việc bán bất động sản hình thành trong tương lai bắt buộc phải thông qua sàn giao dịch. Theo đó, Điều 57 quy định, 2 loại giao dịch bất động sản phải thông qua sàn gồm có: Chủ đầu tư bán, cho thuê mua nhà ở hoặc công trình hình thành trong tương lai và chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại đất đã có hạ tầng kỹ thuật. Các giao dịch khác không phải 2 loại giao dịch trên cũng được khuyến khích thông qua sàn.
Luật Kinh doanh bất động sản 2006 từng nêu quy định, các giao dịch nhà đất phải thông qua sàn nhưng sau đó lại được bỏ khi sửa luật vào năm 2014 và áp dụng cho đến nay.
Tuy nhiên, theo đánh giá nêu trong tờ trình, việc không bắt buộc giao dịch mua, bán, chuyển nhượng bất động sản phải qua sàn 8 năm qua đã làm giảm tính minh bạch, công khai thông tin, đặc biệt là với các bất động sản hình thành trong tương lai.
Chính phủ cho rằng, việc “siết” lại giao dịch nhà ở hình thành trong tương lai sẽ đảm bảo quyền, trách nhiệm của chủ đầu tư dự án với người mua và tránh đầu cơ. Chưa kể, hiện nay, điều kiện thành lập sàn giao dịch bất động sản cũng bất cập, gây khó khăn trong quản lý, chưa đảm bảo phòng chống rửa tiền, là nguồn cơn để các sàn có thể lách luật. Do đó,Chính phủ cũng siết lại các điều kiện thành lập, quyền và nghĩa vụ của người điều hành, tổ chức và cá nhân tham gia sàn trong sửa đổi lần này.
Thực tế, tuy không phải điều kiện bắt buộc nhưng đa số các chủ đầu tư đều thông qua sàn giao dịch để bán bất động sản.
Dự thảo luật lần này có một điểm mới nữa là dành một chương về điều tiết, bình ổn trong trường hợp thị trường bất động sản rơi vào tình trạng sốt nóng hoặc đóng băng.
Theo quan điểm của Chính phủ, các quy định hiện hành còn thiếu hoặc lỏng lẻo khiến cho thị trường bất động sản phát triển thiếu kiểm soát, không có kế hoạch, thay vào đó là chạy theo lợi nhuận, phong trào. Thế nhưng, cơ quan Nhà nước chưa có cơ chế, quy định về trách nhiệm, thẩm quyền kiểm soát, điều tiết thị trường bất động sản.
Nguyên tắc điều tiết thị trường bất động sản
Bên cạnh đó, so với mặt bằng thu nhập chung của người dân, tốc độ phát triển kinh tế, giá bất động sản, nhất là tại đô thị còn cao khiến cho thị trường dư thừa phân khúc cao cấp nhưng lại thiếu sản phẩm trung bình và thấp.
Tờ trình Chính phủ còn nêu rõ thực trạng đầu cơ bất động sản diễn ra khá phổ biến ở các địa phương. Do đó, trong lần sửa đổi này đã bổ sung quy định, Bộ Xây dựng chủ trì, cùng các bộ, ngành, địa phương trình cấp có thẩm quyền các biện pháp nhằm điều tiết khi thị trường trong trường hợp mất cân đối cung – cầu, số lượng và giá giao dịch tăng – giảm bất thường hay khi xuất hiện thiên tai, chiến tranh, khủng khoảng kinh tế…
Theo đó, chính sách về đầu tư, xây dựng, quy hoạch, nhà ở, đất đai, kinh doanh bất động sản, thuế, tín dụng, tài chính chính là công cụ chính để Chính phủ thực hiện điều tiết thị trường bất động sản. Nguyên tắc điều tiết thị trường là tôn trọng quy luật thị trường; phân cấp, phân quyền quản lý.