Sau khi vừa tìm được đối tác chiến lược, tăng quy mô vốn chủ sở hữu lên đứng thứ hai hệ thống, VPBank dự kiến sẽ dành 30% lãi ròng hàng năm để chia cổ tức bằng tiền mặt.
Bán cổ phần cho SMBC, VPBank nói sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt 5 năm tới
Chiều 18/4 đã diễn ra phiên họp cổ đông thường niên của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), sau khi ngân hàng này vừa ký thỏa thuận bán 15% cổ phần cho Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) – đơn vị thành viên thuộc Sumitomo Mitsui Financial Group (SMFG) của Nhật Bản.
Chủ tịch Hội đồng quản trị VPBank – ông Ngô Chí Dũng cho biết, sau thỏa thuận chiến lược với SMBC, gần 36.000 tỷ đồng được bổ sung vào quy mô vốn chủ sở hữu, ngân hàng “về cơ bản đã đủ nguồn lực, nền tảng vốn cho quá trình tăng trưởng cao trong 5 năm tới”.
Tại phiên họp cổ đông thường niên hôm qua, ông Dũng thông tin: “VPBank sẽ dành 30% lợi nhuận sau thuế hàng năm để chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông”.
Quy mô vốn chủ sở hữu hợp nhất của VPBank tính đến cuối 2022 vượt ngưỡng 100.000 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2021, đồng thời đạt mức tăng trưởng kép hơn 28% trong 5 năm qua. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) ở mức hơn 15%.
Năm ngoái, với mức lợi nhuận trước thuế đạt hơn 21.000 tỷ đồng, VPBank đã trình và được thông qua việc chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%, tương đương 1 cổ phiếu được nhận 1.000 đồng. Tổng mức chi trả cho việc chia cổ tức dự kiến là hơn 7.900 tỷ đồng, trên tổng cổ phiếu lưu hành sau khi phát hành ESOP và chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho SMBC.
Kế hoạch hoạt động năm 2023 của VPBank
Năm nay, kế hoạch lợi nhuận trước thuế ngân hàng đặt ra là vượt 24.000 tỷ đồng, tăng 13% so với năm trước, cũng là lần đầu lợi nhuận hợp nhất vượt mốc 1 tỷ USD.
Bởi ghi nhận khoản thu nhập bất thường khoảng 7.000 tỷ đồng với 5.000 tỷ từ doanh thu trả trước của hợp đồng bảo hiểm độc quyền tái ký với AIA vào năm ngoái nên mức tăng trưởng lợi nhuận dự kiến năm nay của VPBank sẽ đạt 53% nếu tính trên hoạt động kinh doanh cốt lõi.
VPBank cũng đặt mục tiêu tổng tài sản đến cuối năm nay tăng 39% so với đầu năm, đạt gần 880.000 tỷ đồng. Huy động vốntăng 41%, dư nợ cấp tín dụng tăng 33%, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng riêng lẻ dưới 3%.
Trong khi khó khăn vẫn hiện hữu, Tổng giám đốc VPBank – Nguyễn Đức Vinh cho rằng, mức tăng trưởng hơn 50% khi loại trừ các yếu tố đột biến là “kế hoạch tham vọng”.
Diễn biến cổ phiếu VPB.
Năm nay, VPBank cho biết có thêm một số trọng tâm mới. Theo đó, ngân hàng dự kiến chuyển nhóm khách hàng doanh nghiệp vừa và lớn thành một trong những mảng chính và xác định đây là phân khúc có khả năng thúc đẩy tăng trưởng cao. Ngoài ra, nhóm doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng là một động lực khác.
Hiện nay, VPBank mới phục vụ 80 doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, mục tiêu cuối năm của ngân hàng này là tăng quy mô lên 300-600 doanh nghiệp. Một nhóm chuyên trách với những chuyên gia từ SMBC đã được ngân hàng thành lập. đặt mục tiêu tiếp cận 10-15% doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam.
VPBank cũng dự kiến công ty chứng khoán và bảo hiểm sẽ đóng góp cao hơn. Theo đó, năm nay, mục tiêu của công ty chứng khoán sẽ tăng gấp 3 lần năm trước, mức đóng góp lợi nhuận trong khoảng 1.500 tỷ đồng.
FE Credit năm 2023 sẽ thực hiện tái cấu trúc, đánh giá lại hoạt động và xây dựng định hướng đóng góp lâu dài. Năm ngoái, công ty tài chính tiêu dùng lần đầu tiên không đóng góp cho VPBank khi báo lỗ. Nguyên nhân bởi, Covid-19 cùng khó khăn của kinh tế gây ảnh hưởng đến tệp khách hàng trọng tâm của FE Credit.
Riêng quý I năm nay, FE Credit tập trung nguồn lực xử lý nợ xấu, tiếp tục không có lãi. Ngoài ra, công ty cũng không đặt mục tiêu tăng trưởng cho vay nhằm xây dựng lại chiến lược kinh doanh.