ĐHĐCĐ thường niên 2023 lần 1 của CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (Mã: CII) bất thành dù lãnh đạo doanh nghiệp này trước đó thông báo tặng tiền mặt cho cổ đông tham dự họp hoặc ủy quyền.
CII tặng tiền, cổ đông vẫn “thờ ơ”
CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (Mã: CII) sáng 26/4 tiến hành tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 để thông qua kế hoạch kinh doanh và phương án huy động trái phiếu.
Thông báo mời họp thể hiện, thời gian của chương trình sẽ bắt đầu từ 8h. Tuy nhiên, đến 9h15, tỷ lệ cổ đông tham dự đại hội chỉ mới đạt 45,65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Vì thế, đại hội cổ đông lần này không đủ điều kiện tiến hành.
Về tỷ lệ tham dự dưới 50% lần này, theo Chủ tịch HĐQT Lê Vũ Hoàng là do “nhóm cổ đông nước ngoài sở hữu 16 triệu cổ phiếu cùng các quỹ ETF hầu hết không tham dự đại hội”.
Báo cáo cơ cấu cổ đông cho thấy, theo ghi nhận của CII tính đến ngày 3/4, cổ đông nước ngoài nắm giữ tổng cộng gần 25,9 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 10,26% vốn). Trong khi đó, hơn 50,4 triệu đơn vị thuộc sở hữu của tổ chức trong nước; hơn 175,9 triệu đơn vị do cá nhân trong nước nắm giữ.
Trước khi diễn ra phiên họp, ban lãnh đạo CII đã thông báo về việc có những phần quà tri ân đối với các cổ đông tham dự hoặc ủy quyền. Phần quà này sẽ tùy thuộc vào số lượng cổ phần mà cổ đông sở hữu sẽ nhận quà bằng tiền tương ứng.
CEO Lê Quốc Bình.
Với tỷ lệ dự họp gần đây tại CII khá thấp nên đây được cho là động thái dự trù. Năm 2022, công ty này phải 2 lần tổ chức mới đáp ứng đủ điều kiện họp cổ đông thường niên.
Kế hoạch của CII
Tài liệu năm nay cho thấy, mục tiêu CII đặt ra đó là: Tổng doanh thu đạt 5.155 tỷ đồng, khoản lãi ròng ở mức 469 tỷ đồng, so với mức nền cao của năm 2022 lần lượt giảm 30% và 50%.
Theo lãnh đạo doanh nghiệp, sẽ gia tăng dòng thu từ các dự án BOT cầu đường, hoàn thành việc bàn giao phần căn hộ còn lại tại các dự án bất động sản hiện hữu; cùng với đó là đẩy nhanh công tác hoàn thiện thủ tục, hồ sơ pháp lý, gồm có thủ tục thanh toán các hợp đồng BT, thu hồi vốn và lợi nhuận đầu tư…
Chưa kể, hội đồng quản trị còn có kế hoạch trình phương án phát hành 2 gói trái phiếu chuyển đổi ra công chúng với tổng giá trị là gần 4.500 tỷ đồng. Cụ thể, gói thứ nhất kỳ hạn 10 năm, giá trị 2.522 tỷ đồng, chào bán cho cổ đông hiện hữu trong năm 2023. Gói thứ 2 cũng phát hành cho cổ đông hiện hữu trong vòng 2 năm sau khi được phê duyệt, giá trị 1.978 tỷ đồng.
Không đủ túc số để họp, tuy nhiên CEO Lê Quốc Bình vẫn chia sẻ với cổ đông rằng, việc phát hành trái phiếu chuyển đổi thay vì cổ phiếu là bởi lợi ích của các loại này khác nhau.
Theo đó, trong khi cổ phiếu chỉ thỏa mãn người muốn đầu tư cổ phiếu thì việc phát hành trái phiếu chuyển đổi sẽ thỏa mãn được cả nhóm trái chủ muốn nhận tiền mặt lẫn người muốn mua cổ phiếu. Riêng nhóm cổ đông lớn lại thích nhận tiền mặt hơn.
Nói thêm, vị CEO cho biết, nếu không huy động trái phiếu thành công, dòng tiền thu về sẽ bị ngân hàng “nuốt hết”. Nói cách khác, có dòng tiền nhưng không thể nhận, phải đợi trả nợ hết ngân hàng mới có thể chia cổ tức.
Tổng giám đốc CII khi nói về chiến lược dài hạn nhấn mạnh sẽ theo đuổi chiến lược “đầu tư cơ sở hạ tầng có nguồn thu tốt”, không phải chỉ có dự án BOT.
Trong quá trình làm hạ tầng, có thể CII sẽ làm thêm các dự án bất động sản chứ không chủ trương đầu tư bất động sản ngay từ đầu. Ngoài ra, công ty cũng đang nghiên cứu làm đường và nước, nhưng các dự án xử lý nước thải thì chưa đầu tư.