Số liệu của Tống cục thống kê cho thấy trong 8 tháng đầu năm 2021 có tới 85.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, ghi nhận mức tăng 24,2% so với cùng kỳ. Trước sự ảnh hưởng nghiêm trọng này, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn.
2 chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng vì dịch COVID-19
Ngay trong khủng hoảng của đợt dịch thứ 4, liên tiếp 2 chính sách quan trọng từ Văn phòng Chính phủ và Ngân hàng nhà Nước đã được ban hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng vì COVID-19. Cụ thể, sau 17 tháng thực hiện hỗ trợ tài chính theo thông tư 01/2020 thì tới ngày 7/9/2021, Ngân hàng Nhà nước đã một lần nữa sửa đổi, bổ sung các hình thức hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp trong thông tư số 14/2021. Trong đó, việc miễn giảm lãi phí sẽ được thực hiện đến ngày 30 tháng 6 năm 2022 với 4 điều kiện như sau:
- Áp dụng với số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 1/8/2021 từ hoạt động cấp tín dụng, nhưng không bao gồm các khoản nợ phát sinh từ việc mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.
- Nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi đến hạn thanh toán phải nằm trong khoảng thời gian từ ngày 23 tháng 1 năm 2020 đến ngày 30 tháng 6 năm 2022
- Khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn gốc và lãi theo hợp đồng thỏa thuận do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến doanh thu, thu nhập của khách hàng bị giảm.
- Việc thực hiện cơ cấu thời hạn trả nợ được tiếp tục áp dụng đến ngày 30 tháng 6 năm 2022
Chỉ 2 ngày sau khi thông tư 14 của Ngân hàng Nhà nước ra đời, đến ngày 9 tháng 9 chính phủ tiếp tục ban hành nghị quyết 105/NQ-CP. Trong đó phạm vi hỗ trợ doanh nghiệp sâu và rộng hơn với 4 nhóm giải pháp và tham gia của tất cả các bộ, ngành.
Cụ thể, nhóm giải pháp thứ nhất, Chính phủ yêu cầu Bộ Y Tế đảm bảo an toàn phòng chống dịch tại doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Trong đó, bổ sung các đối tượng ưu tiên tiêm phòng vắc xin phòng COVID-19 bao gồm người lao động của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tại các vùng kinh tế trọng điểm, khu công nghiệp.
Nhóm giải pháp thứ hai: đảm bảo ổn định sản xuất cho doanh nghiệp với sự tham gia của 4 bộ, bao gồm Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công thương, Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài Chính.
Nhóm giải pháp thứ ba: hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh liên quan đến bảo hiểm xã hội, vận chuyển và liên quan đến một số thuế, phí.
Nhóm giải pháp thứ 4: tạo thuận lợi về lao động và chuyên gia cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh. Cụ thể, nới lỏng một số quy định, điều kiện về việc cấp, gia hạn, xác nhận giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Đồng thời cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã thỏa thuận với người lao động điều chỉnh tăng thời gian làm thêm cho phù hợp.