Mới đây, chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP năm 2021 cho phép doanh nghiệp dịch vụ lữ hành được giảm đến 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến hết năm 2023. Đồng thời giảm thời gian giải quyết hoàn trả tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành từ 60 ngày xuống còn 30 ngày.
Việc ký quỹ đối với các doanh nghiệp lữ hành nhằm mục đích giải quyết các vấn đề phát sinh trong trường hợp doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các nghĩa vụ đối với khách hàng của mình. Đồng thời, nó cũng giúp chứng minh năng lực tài chính và cam kết trách nhiệm của doanh nghiệp đối với khách du lịch và các cơ quan quản lý nhà nước.
Hầu hết các nước trên thế giới đều có những quy định về việc các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành phải ký quỹ để bảo đảm nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho khách du lịch trong trường hợp bị thiệt hại hoặc doanh nghiệp bị phá sản.
Tuy nhiên, dưới sự tác động của tình hình dịch bệnh COVID-19 trong suốt 2 năm qua đã khiến ngành du lịch gần như bị tê liệt hoàn toàn, không ít doanh nghiệp bị phá sản hoặc hoạt động cầm chừng và rơi vào tình trạng rất khó khăn… Do đó, việc đưa ra những cơ chế đặc thù, ưu đãi, hỗ trợ kịp thời không chỉ giúp doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, du lịch vượt qua khó khăn trước mắt, khôi phục hoạt động mà còn góp phần thúc đẩy, tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực liên quan.
Chính sách hỗ trợ dịch vụ lữ hành
Với chính sách giảm 80% tiền ký quỹ được các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành đánh giá là kịp thời, giúp giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp. Đồng thời, nghị quyết cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp lữ hành đang còn hoạt động và thúc đẩy các doanh nghiệp chuẩn bị tham gia vào lĩnh vực kinh doanh này.
Theo ông Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Vietfood Travel cho biết, đến hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp lữ hành đều rất “đói vốn”, rất cần lượng tài chính ký quỹ cần phải rút ra để trang trải các chi phí hoạt động của công ty như trả lương cho nhân viên hay duy tu bảo dưỡng các sản phẩm du lịch.
Theo luật du lịch, mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa là 100 triệu đồng; ký quỹ 250 triệu đồng để kinh doanh dịch vụ cho khách quốc tế đến Việt Nam và 500 triệu đồng cho dịch vụ lữ hành với khách du lịch ra nước ngoài. Trong trường hợp kinh doanh dịch vụ lữ hành cho khách quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài, tiền ký quỹ vẫn là 500 triệu đồng.
Việc được rút 80 % tiền ký quỹ với thời gian hoàn trả xuống còn 30 ngày sẽ giúp doanh nghiệp nhanh chóng có nguồn lực để duy trì trong ngắn hạn và làm tiền đề giúp doanh nghiệp phát triển cho giai đoạn sau.
Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc AZA Travel, doanh nghiệp du lịch và lữ hành bị rơi tình trạng cạn kiệt nguồn vốn do tình hình dịch bệnh kéo dài, doanh nghiệp không có khách, không có nguồn thu. Vậy nên rất cần những nguồn vốn, những hỗ trợ tài chính giúp doanh nghiệp chi trả các chi phí vận hành như thuê văn phòng, trả lương cho nhân viên,… để doanh nghiệp chờ đợi thị trường được hồi phục.
Nhiều doanh nghiệp lữ hành cũng cho rằng, việc ban hành nghị quyết cũng thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với các doanh nghiệp ngành du lịch. Tuy nhiên đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời và cần một giải pháp căn cơ, lâu dài hơn để giúp phục hồi ngành du lịch vốn đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch COVID-19.
Cũng theo ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Flamingo Redtours nhận định, việc giảm ký quỹ cũng chỉ để giúp doanh nghiệp trả nợ và duy trì tình trạng tối thiểu trong thời gian tới chứ không thể giúp doanh nghiệp tái sản xuất để gia nhập lại vào thị trường. Vậy nên điều quan trọng hơn là các doanh nghiệp vẫn rất cần thêm các gói cho vay, hỗ trợ tài chính sẽ mang lại hiệu quả hơn giúp các doanh nghiệp lữ hành và du lịch phục hồi và phát triển trở lại.
Ngoài ra các doanh nghiệp lữ hành cũng mong muốn việc triển khai Nghị quyết 105/NQ-CP 2021 cần đơn giản hóa các thủ tục giấy tờ để doanh nghiệp sớm rút được tiền ký quỹ.