Giá nước sạch ở khu vực nội thành Hà Nội có thể tăng thêm 5.000-26.000 đồng/tháng và khu vực nông thôn tăng thêm 10.000-13.000 đồng/tháng so với trước đây theo mức được đề xuất.
Sự thay đổi của giá nước sạch nếu áp theo đề xuất mới
Theo tờ trình của Sở Tài chính Hà Nội vừa gửi UBND TP Hà Nội về phương án dự kiến tăng giá nước sinh hoạt tại Hà Nội từ ngày 1/7, theo nhu cầu tiêu dùng nước thực tế tại Hà Nội ở khu vực nội thành (10-16 m3/hộ/tháng), đối với hộ gia đình thì số tiền phải chi thêm là 15.000-26.000 đồng/tháng và 10.000-13.000 đồng/tháng đối với khu vực nông thôn (6-8 m3/hộ/tháng).
Sở khẳng định tại tờ trình rằng, phương án điều chỉnh giá nước sạch “cơ bản không tác động nhiều đến đời sống và thu nhập của người dân”. Trong khi đó, việc tăng giá xuất phát từ những nhu cầu cấp thiết thực tế, phù hợp với chủ trương của Nhà nước về đẩy mạnh việc quản lý cấp nước và tiêu thụ nước sạch và chủ trương xã hội hóa công tác sản xuất kinh doanh nước sạch.
Mức giá nước sạch áp dụng đối với hộ dân thuộc diện gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo tại 10m3 đầu tiên sẽ không tăng giá.
Ngoài ra, UBND TP Hà Nội cho biết, sẽ có cơ chế hỗ trợ để đảm bảo sức khỏe và sinh hoạt của người dân tại khu vực có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, khu vực bị ảnh hưởng môi trường có khó khăn được tiếp cận nước sạch như khu vực người dân tại vùng ảnh hưởng môi trường khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn và người dân khu vực bị ảnh hưởng bãi rác Xuân Sơn.
Giá bán nước sạch tại Hà Nội hiện đang được áp dụng theo Quyết định số 38 năm 2013 của UBND TP. Theo đó, giá bán lẻ nước sinh hoạt 10m3 đầu tiên (hộ/tháng) là 5.973 đồng/m3; từ trên 10 đến 20m3 là 7.052 đồng/m3; từ trên 20 đến 30m3 là 8.669 đồng/m3; từ trên 30m3 là 15.929 đồng/m3.
Lý do phải tăng giá nước sạch
Chi phí cấu thành giá bán nước sinh hoạt gồm: Nguyên, vật liệu (hóa chất xử lý, điện); nhân công (tiền lương, bảo hiểm xã hội, ăn ca); chi phí sản xuất chung (khấu hao tài sản cố định, chi phí xét nghiệm nước); chi phí quản lý doanh nghiệp (tiền cấp quyền khai thác nước, thuế tài nguyên, chi phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp); chi phí lãi vay; chi phí bán hàng; chi phí an toàn cấp nước…
Giá bán nước sạch đến hiện nay cơ bản được cho là không đủ bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh khi mà 10 năm qua, giá các yếu tố đầu vào cho sản xuất nước sạch đã tăng. Vì vậy, việc điều chỉnh giá nước là yêu cầu cấp thiết.
Nước sạch dự kiến tăng giá từ 1/7 và có thể tăng tiếp.
Chưa kể, quá trình thu hút nguồn lực xã hội hóa vào lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn do chưa tăng giá nước sạch. Được biết, nhà máy nước ngầm của thành phố hầu hết đều được xây dựng từ lâu, đã hết hoặc gần hết khấu hao nên đang phải giảm dần sản lượng theo quy hoạch.
Các nhà máy nước mặt đang vận hành nhờ được đầu tư theo công nghệ mới, chi phí khấu hao, chi phí tài chính còn cao. Nếu không điều chỉnh giá nước, nhà đầu tư không chỉ khó khăn trong thanh toán chi phí khai thác, vận hành mà còn khó khăn khi đàm phán huy động vốn để mở rộng, nâng công suất.
Theo các cơ quan quản lý, các đơn vị cấp nước không đủ nguồn lực để tái đầu tư, kiểm soát, nâng cao chất lượng nước sạch theo quy chuẩn của Bộ Y tế với giá nước như hiện nay.
Do giá nước hiện hành chỉ “đáp ứng được chi phí thiết yếu tối thiểu để vận hành nhà máy, chưa thu hồi được vốn đầu tư, chưa có lợi nhuận” nên áp lực chi phí vốn đè nặng khiến phần lớn doanh nghiệp không thực hiện dự án, hoặc triển khai rồi nhưng chậm tiến độ.
Theo Sở Tài chính Hà Nội đánh giá, doanh nghiệp nguy cơ phá sản nếu giá nước không điều chỉnh, không có nguồn lực để vận hành nhà máy, đe dọa an ninh cấp nước cho thành phố.