Bộ Tài chính công bố kết quả thanh tra cho thấy, 4 doanh nghiệp bảo hiểm có sai phạm khi bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng.
Theo Bộ Tài chính, một số vi phạm điển hình của 4 doanh nghiệp bảo hiểm gồm như nhân viên không tư vấn trực tiếp cho khách hàng, không hướng dẫn đầy đủ thủ tục, hồ sơ yêu cầu theo quy định. Chất lượng tư vấn của doanh nghiệp bảo hiểm cũng không đảm bảo khiến khách hàng không hiểu rõ về sản phẩm. Cụ thể như sau:
Doanh nghiệp bảo hiểm Sun Life: Tỷ lệ hủy tại TPBank 73%, tại ACB 39%
Năm 2021, Sun Life Việt Nam bán bảo hiểm qua Ngân hàng ACB và Ngân hàng Tiên Phong (TPBank). Theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2021 và số liệu báo cáo của công ty, tổng doanh thu phí bảo hiểm qua kênh ngân hàng đạt được 2.038 tỷ đồng.
Doanh thu khai thác mới qua kênh ngân hàng đạt 1.907,7 tỷ đồng. Trong đó, tổng doanh thu phí bảo hiểm qua ACB đạt 1.248,6 tỷ đồng và TPBank đạt 789,4 tỷ đồng.
Năm 2021, thông qua 2 ngân hàng này, Sun Life phát hành mới 80.117 hợp đồng bảo hiểm. Trong đó, tỷ lệ hủy bỏ và chấm dứt hợp đồng bảo hiểm sau thời gian cân nhắc (năm thứ nhất) là 73% qua TPBank và 39% qua ACB.
Bảo hiểm Prudential: Tỷ lệ hủy hợp đồng là 41%
Bộ Tài chính cho hay, Prudential năm 2021 bán bảo hiểm thông qua 8 ngân hàng gồm MSB, VIB, Seabank, Vietbank, Shinbank, PVcomBank, Standard Chartered, OUB.
Theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2021, doanh thu phí bảo hiểm bán qua ngân hàng của Prudential đạt hơn 6.184 tỷ đồng. 3.700 tỷ đồng là doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới qua kênh ngân hàng.
94.431 là số hợp đồng mới Prudential phát hành qua các nhà băng này. Đối với các hợp đồng bán qua ngân hàng (tính theo phí bảo hiểm), tỷ lệ duy trì hợp đồng sau năm thứ nhất là 59%, tương ứng với tỉ lệ hủy, mất hiệu lực năm thứ nhất là 41%.
Tỷ lệ hủy hợp đồng ở BIDV Metlife là 39%
Bộ Tài chính cho biết, BIDV Metlife bán bảo hiểm qua ngân hàng BIDV. Công ty phát hành mới 21.123 hợp đồng bảo hiểm qua kênh ngân hàng vào năm 2021, tỷ lệ hủy sau năm thứ nhất là 39,4%.
Quy trình đào tạo và tư vấn bảo hiểm của BIDV Metlife chưa được quy định cụ thể về phân cấp, ủy quyền về nhiệm vụ, quyền hạn của từng cá nhân, bộ phận và cơ chế phối hợp giữa các cá nhân, các bộ phận trong việc triển khai từng hoạt động theo đúng quy định của Bộ Tài chính.
Dù có 3 cán bộ thực hiện nhiệm vụ đào tạo đại lý bảo hiểm nhưng những người này chưa có căn cứ rõ ràng để chứng minh về kiến thức pháp luật, đảm bảo thực hiện đúng quy định
Tỷ lệ hủy hợp đồng sau một năm của MB Ageas là 32,4%
Trong kết luận thanh tra của Bộ Tài chính cho thấy, MB Ageas bán bảo hiểm qua Ngân hàng MB và Công ty tài chính MB Shinsei (còn gọi là Công ty tài chính MCredit).
Báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2021 và số liệu báo cáo của công ty thể hiện, bán bảo hiểm qua ngân hàng đạt tổng doanh thu là 4.466 tỷ đồng. Doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới qua kênh ngân hàng là 2.820,9 tỷ đồng, tương ứng 74% tổng doanh thu phí khai thác mới.
MB Ageas phát hành mới 66.757 hợp đồng bảo hiểm qua ngân hàng vào năm 2021. Các hợp đồng bảo hiểm phát hành qua ngân hàng có tỷ lệ hủy bỏ, chấm dứt hợp đồng bảo hiểm sau năm thứ nhất là 32,4%.
Bộ Tài chính nói: “Những sai phạm này sẽ được xem xét xử phạt hành chính, đảm bảo nghiêm minh và răn đe với thị trường”.
Bộ Tài chính yêu cầu 4 doanh nghiệp trên thực hiện tăng cường quản lý, chấn chỉnh một cách toàn diện kênh bancassurance. Quan trọng nhất trong đó là chấn chỉnh đào tạo, quản lý và giám sát chất lượng đại lý bảo hiểm để phát hiện sớm hành vi vi phạm của đại lý, cá nhân thuộc đại lý bảo hiểm.
Các doanh nghiệp bảo hiểm được yêu cầu rà soát các chi phí hoạt động đại lý bảo hiểm, đảm bảo các khoản chi phục vụ cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm, có đầy đủ chứng từ, bằng chứng.