Mới nhận vị trí CEO ở thời điểm cuối tháng 5 nhưng ông Nguyễn Minh Hải mới đây đã xin từ nhiệm vị trí này.
Ông Nguyễn Minh Hải từ nhiệm
Bamboo Airways phát đi thông tin này vào cuối ngày 11/7. Theo đó, ông Nguyễn Ngọc Trọng – Phó chủ tịch sẽ kiêm vai trò CEO của Bamboo Airways.
Có thể thấy, ông Nguyễn Minh Hải đã rời “ghế nóng” Bamboo Airways sau chưa đầy 2 tháng nắm giữ. Trước đó, ông Hải được bổ nhiệm làm CEO hãng hàng không này vào cuối tháng 5, thay cho ông Nguyễn Mạnh Quân.
Ông Nguyễn Minh Hải sinh năm 1972, là cử nhân ngành Quản lý kinh doanh du lịch tại Đại học Kinh tế Quốc dân. Ông có 25 năm kinh nghiệm trong ngành hàng không, giai đoạn tháng 4/2015 đến tháng 1/2019 từng làm Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines. Ngoài ra, ông còn từng là Tổng giám đốc Cambodia Angkor Air.
Dù mới kiện toàn hồi giữa tháng 6 nhưng HĐQT của Bamboo Airways cũng có không ít xáo trộn. Diễn biến mới nhất, không chỉ ông Nguyễn Minh Hải từ nhiệm mà bốn thành viên khác của HĐQT mới được bổ nhiệm cũng xin từ nhiệm.
HĐQT đã chấp thuận đơn xin từ nhiệm của 4 thành viên, gồm Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways – ông Hideki Oshima; Phó chủ tịch Thường trực HĐQT – ông Nguyễn Ngọc Trọng, 2 Phó chủ tịch HĐQT là ông Doãn Hữu Đoàn, ông Phan Đình Tuệ.
HĐQT Bamboo Airways cũng thông qua quyết định bầu các thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023 – 2028 thay thế các thành viên từ nhiệm. Ông Lê Thái Sâm theo đó sẽ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT, ông Oshima Hideki giữ chức vụ Phó chủ tịch Thường trực HĐQT, ông Lê Bá Nguyên và ông Nguyễn Ngọc Trọng đảm nhiệm chức vụ Phó chủ tịch HĐQT.
Kế hoạch phát triển Bamboo Airways
Ông Nguyễn Minh Hải trong phiên họp thường niên tháng trước đã đại diện ban điều hành Bamboo Airways trình bày khá chi tiết với cổ đông về kế hoạch phát triển, tái cấu trúc hãng dưới thời nhà đầu tư mới là Tập đoàn Him Lam. Trong đó, ông tập trung vào việc làm thế nào để Bamboo Airways kinh doanh có lãi.
Ông Hải cho hay sẽ xây dựng bộ máy tại Bamboo Airways đoàn kết, nhất trí từ trên xuống dưới; đồng thời khẳng định sẽ cùng với ban điều hành đưa hãng hàng không này về điểm hòa vốn hoặc có lãi từ năm 2024. “Với tôi, đây là pháp lệnh, chứ không phải như hy vọng của HĐQT”, ông nói.
Theo chia sẻ từ ông, việc tái cấu trúc công ty ở thượng tầng đã xong. Ban điều hành giờ có trách nhiệm triển khai xuống cấp dưới theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Bamboo Airways trước đây có 11 cấp nhân viên nhưng nay chỉ còn 6 để điều hành tốt hơn, nâng cao năng suất lao động.
Về khoản lỗ trước thuế khoảng 17.600 tỷ đồng hồi năm ngoái, ông Hải cho hay nó xuất hiện sau khi công ty có sự chuyển giao, tham gia của nhà đầu tư mới. Tuy nhiên, ông khẳng định đây là khoản lỗ của cả một thời kỳ, không chỉ riêng 2022.
Ông Nguyễn Minh Hải tiết lộ, nhà đầu tư mới đã trích laoaj các khoản dự phòng phải thu khó đòi (ngắn hạn và dài hạn) nhằm làm cho các báo cáo minh bạch hơn, cổ đông có thể đánh giá. Nó còn thể hiện quyết tâm của nhà đầu tư mới tại Bamboo Airways, đó là đi theo hướng chuẩn mực quốc tế, công khai, minh bạch hơn.
Để ngắt mạch thua lỗ cho Bamboo Airways, công ty kiên quyết đi theo hướng tăng quy mô sản xuất, tăng tàu bay. Theo ông Hải, quy mô đội bay 30 chiếc hiện tại không đảm bảo hiệu quả. Nhưng, hãng hàng không này cũng sẽ không tăng tàu bay bằng mọi giá khi mà bối cảnh thị trường thuê mua tàu khan hiếm, giá cao.
Ông đánh giá, ban lãnh đạo hãng giai đoạn 2021-2022 đã chớp được cơ hội thuê tàu giá tốt – mức mà hiện nay không thể thuê được.
Ngoài ra, để hiện thực hóa việc ngắt mạch thua lỗ, Bamboo Airways cũng sẽ chủ động cắt giảm các chi phí. Ông Nguyễn Minh Hải tiết lộ, ban lãnh đạo công ty trong quá trình điều hành sẽ có từng giải pháp cụ thể, trong đó tập trung vào giảm hệ số chi phí trên một ghế cung ứng (CASK).