Từ ngày 1/6 tới, khoảng 37.000 hộ và cá nhân kinh doanh sẽ phải chuyển sang phương thức nộp thuế dựa trên doanh thu thực tế, thay vì áp dụng hình thức thuế khoán như trước đây.
Chuyển đổi lớn trong quản lý thuế hộ kinh doanh
Theo Nghị định 70, từ tháng 6/2025, các hộ kinh doanh có doanh thu hàng năm trên 1 tỷ đồng trong các lĩnh vực như ăn uống, lưu trú, bán lẻ, vận tải hành khách, dịch vụ thẩm mỹ, giải trí… sẽ bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã, phát hành từ máy tính tiền kết nối trực tiếp với cơ quan thuế.
Loại hóa đơn này được lập ngay tại điểm bán (ví dụ quầy thu ngân), thông qua máy tính tiền có tích hợp truyền dữ liệu về Tổng cục Thuế. Nhờ đó, cơ quan quản lý sẽ theo dõi sát sao doanh thu thực tế, từ đó điều chỉnh mức thuế phù hợp thay vì áp dụng mức khoán như trước.
Hiện nay, cả nước có khoảng 3,6 triệu hộ kinh doanh đóng góp gần 26.000 tỷ đồng mỗi năm vào ngân sách nhà nước, theo số liệu từ Bộ Tài chính. Trong đó, gần 2 triệu hộ đang nộp thuế theo phương pháp khoán, với mức bình quân chỉ khoảng 700.000 đồng/tháng trong quý I/2024.
Với quy định mới, khoảng 37.000 hộ trong nhóm này sẽ chuyển đổi sang hình thức tính thuế theo doanh thu thực tế. Đây được kỳ vọng là bước tiến lớn trong minh bạch hóa công tác quản lý thuế, giúp giảm thiểu sự mập mờ và không công bằng trong nghĩa vụ nộp thuế giữa các hộ kinh doanh.
Theo ông Nguyễn Văn Được – Tổng giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn thuế Trọng Tín, hình thức khoán thuế lâu nay tồn tại nhiều bất cập khi mức thuế thường được ấn định theo đề xuất của “hội đồng tư vấn thuế xã phường”, thay vì căn cứ vào doanh thu thực tế. Điều này có thể dẫn đến sự chênh lệch và thiếu công bằng giữa các hộ kinh doanh có quy mô và doanh thu khác nhau.
“Việc chuyển đổi sang tính thuế theo doanh thu ghi nhận từ máy tính tiền sẽ xóa bỏ vùng xám, loại bỏ khả năng chia chác lợi ích giữa các bên”, ông Được nhận định.
Lo lắng của các hộ kinh doanh nhỏ
Tuy nhiên, sự thay đổi này đang gây ra không ít lo ngại, nhất là với các hộ kinh doanh nhỏ trong ngành ăn uống – nơi vốn quen vận hành theo hình thức thủ công, ít sử dụng công nghệ.
Ông Trần Khải Minh Nhật – Phó chủ tịch Hiệp hội Ẩm thực TP.HCM (FBA) – cho biết: “Nghị định 70 đưa hóa đơn điện tử từ máy tính tiền trở thành yêu cầu bắt buộc, không còn là lựa chọn. Điều này đòi hỏi sự thay đổi lớn về nhận thức, kỹ năng công nghệ và khả năng tài chính của các hộ kinh doanh nhỏ”.
Tại một hội nghị gần đây do FBA tổ chức, nhiều thành viên vẫn còn mơ hồ về cách triển khai. Bà Nguyễn Minh Thúy – chủ quán phở tại Hà Đông – cho hay chị chưa từng sử dụng phần mềm bán hàng và lo ngại sẽ gặp khó trong quá trình thao tác, thậm chí có thể bị xử phạt nếu sai sót.
Không ít hộ cũng đặt câu hỏi về tính khả thi của việc xuất hóa đơn cho từng giao dịch nhỏ, chẳng hạn như bán một bát phở 50.000 đồng cho khách lẻ không có nhu cầu lấy hóa đơn.

Một chủ chuỗi bún đậu tại TP.HCM chia sẻ, hiện đang nộp thuế khoán từ 1,5–3 triệu đồng/tháng cho mỗi chi nhánh. Tuy nhiên, khi chuyển sang tính thuế theo doanh thu thực tế, số thuế có thể tăng gấp 2–3 lần, khiến các chi nhánh có lợi nhuận thấp khó duy trì hoạt động.
Vị này cho biết đang cân nhắc chuyển một số chi nhánh sang mô hình doanh nghiệp để chỉ nộp thuế khi có lãi. Song việc chuyển đổi sang hình thức doanh nghiệp cũng đồng nghĩa với nhiều ràng buộc pháp lý và chi phí phát sinh.
ThS Nguyễn Ngọc Tịnh – Phó chủ tịch Hội Tư vấn và Đại lý thuế TP.HCM (HTCAA) – cho rằng nỗi lo lớn nhất của các hộ kinh doanh hiện nay không chỉ là thuế tăng mà còn là sự thiếu chuẩn bị về công nghệ và nhân lực kế toán.
“Không ít chủ quán phải tạm ngừng hoạt động để tìm hiểu và làm quen với các thủ tục mới”, ông nói.
Ngoài ra, việc phải đầu tư thiết bị, phần mềm, đào tạo nhân viên cũng khiến lợi nhuận thực tế có thể sụt giảm nếu doanh thu không tăng tương ứng.
Chuyển đổi là xu thế tất yếu
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng hộ kinh doanh không nên quá lo lắng. Theo ông Nguyễn Văn Được, việc kê khai lần này vẫn áp dụng phương pháp tính đơn giản (doanh thu nhân tỷ lệ), chứ không áp đặt chế độ kế toán phức tạp như doanh nghiệp. Quan trọng là doanh thu được xác định đúng với thực tế.
Ông Được cũng lưu ý, chính sách thuế trong thời gian tới sẽ tiếp tục được hoàn thiện theo hướng đơn giản hóa thủ tục, hỗ trợ người kinh doanh cá thể phù hợp hơn với thực tế vận hành.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Tịnh khẳng định: “Nếu làm đúng, không gian lận thì không có gì phải sợ”. Ngược lại, sự minh bạch còn mang đến nhiều lợi ích như khả năng tiếp cận vốn ngân hàng dễ dàng hơn, tạo môi trường kinh doanh công bằng, và giúp hộ kinh doanh tự tin phát triển.
Cần sự đồng hành từ hiệp hội và cơ quan quản lý
Để hỗ trợ cộng đồng hộ kinh doanh trong giai đoạn chuyển đổi này, ông Dương Thanh Đảo – Phó chủ tịch truyền thông FBA – đề xuất các hiệp hội ngành nghề cần đóng vai trò cầu nối giữa nhà quản lý, chuyên gia thuế và cộng đồng doanh nghiệp nhỏ.
Ông nhấn mạnh, điều quan trọng là giúp hộ kinh doanh hiểu rõ bản chất của quy định mới, lựa chọn giải pháp phù hợp và vận hành hiệu quả. “Khi hiểu đúng và làm đúng, họ sẽ chủ động và tránh được những rủi ro không đáng có”, ông Đảo khẳng định.
Mộc Miên (Tổng hợp)