Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đề xuất lộ trình 5 năm gồm 3 giai đoạn để chuyển đổi các hộ kinh doanh từ hình thức thuế khoán sang tự kê khai, đảm bảo minh bạch và phù hợp với xu thế hiện đại hoá tài chính công.
Xoá bỏ thuế khoán trước 2026
Theo Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị, chậm nhất đến năm 2026, chế độ thuế khoán với hộ kinh doanh sẽ được bãi bỏ. Các cá nhân, hộ kinh doanh sẽ chuyển sang hình thức nộp thuế theo doanh thu thực tế, thông qua tự kê khai.
Góp ý cho dự thảo Luật Quản lý thuế (thay thế), Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS) đề xuất Bộ Tài chính triển khai lộ trình chuyển đổi theo 3 giai đoạn trong vòng 5 năm.
Giai đoạn 1: Chuẩn bị nền tảng kỹ thuật (2 năm đầu)
Trong giai đoạn đầu, Nhà nước cần hoàn thiện khung pháp lý, nền tảng kỹ thuật và phát triển phần mềm kế toán phù hợp. Viện đề xuất hỗ trợ miễn phí phần mềm, thiết bị đầu vào (như máy tính bảng, internet), cùng với chi phí đào tạo (ghi sổ, kê khai) cho các hộ nhỏ, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa.
Giai đoạn 2: Mở rộng áp dụng – đi kèm ưu đãi
Ở hai năm tiếp theo, hình thức tự kê khai sẽ được mở rộng, bắt buộc với các hộ có doanh thu trên một mức nhất định. Để khuyến khích, các hộ được đề xuất giảm 20-30% thuế trong năm đầu áp dụng, đồng thời hỗ trợ chi phí thuê kế toán.
Về kỹ thuật, VASS khuyến nghị nâng cấp hệ thống quản lý thuế tại địa phương, tích hợp các nền tảng khai báo, thanh toán và đào tạo kỹ năng số cho các hộ.
Giai đoạn 3: Chuẩn hóa và tích hợp (năm cuối)
Đây là giai đoạn kết thúc hoàn toàn thuế khoán, chuẩn hóa toàn bộ hệ thống và tích hợp các hộ vào hệ thống quản lý thuế quốc gia. Các hộ kinh doanh sẽ được áp dụng kế toán điện tử, hỗ trợ công cụ ghi chép tự động và tiếp tục nhận ưu đãi nếu chuyển đổi lên doanh nghiệp.
Viện cũng kiến nghị hỗ trợ tài chính cho các hộ vùng khó khăn trong giai đoạn này, đồng thời đẩy mạnh chính sách bảo hiểm xã hội, tín dụng và đào tạo nghề.

Lo ngại hệ thống quá tải, cần hạ tầng mạnh mẽ
Hiện Việt Nam có hơn 5,2 triệu hộ kinh doanh, tạo ra 8–9 triệu việc làm, tương đương khối doanh nghiệp tư nhân. Theo VASS, việc chuyển đổi là tất yếu, nhưng cần kiểm soát rủi ro quá tải hệ thống khi hàng triệu hộ cùng chuyển đổi trong giai đoạn 2025–2026.
Do đó, cơ quan này kiến nghị Chính phủ đầu tư mạnh cho hạ tầng công nghệ, đào tạo kỹ thuật viên, và có chính sách hỗ trợ tài chính hợp lý để giảm chi phí tuân thủ.
Bộ Tài chính cho biết đã tiếp thu các góp ý. Theo Nghị quyết 198, hình thức thuế khoán sẽ bị bãi bỏ từ đầu năm 2026, do đó, luật mới phải được sửa đổi để kịp áp dụng kê khai từ thời điểm này.
Trong khi đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất cần có lộ trình phù hợp, tránh gây xáo trộn cho hộ kinh doanh ở nông thôn – nơi trình độ công nghệ còn hạn chế. Bộ này cũng kiến nghị có cơ chế linh hoạt theo từng địa phương.
Cục Thuế đang lên kế hoạch chia hộ kinh doanh thành 4 nhóm:
- Nhóm 1: Doanh thu dưới ngưỡng chịu thuế – chỉ cần ghi chép thu chi, khuyến khích dùng hóa đơn điện tử.
- Nhóm 2: Doanh thu từ 200 triệu – dưới 1 tỷ đồng/năm – khuyến khích dùng hóa đơn điện tử giai đoạn 2027–2028.
- Nhóm 3: Hộ trong nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng (1–3 tỷ/năm) và thương mại, dịch vụ (1–10 tỷ/năm) – bắt buộc dùng hóa đơn điện tử, kế toán đơn giản.
- Nhóm 4: Doanh thu trên 10 tỷ – bắt buộc áp dụng đầy đủ chế độ kế toán và hóa đơn điện tử.
UBND TP Hà Nội đề nghị các hộ kinh doanh bắt buộc mở tài khoản riêng phục vụ hoạt động kinh doanh. Việc này sẽ giúp minh bạch dòng tiền, thuận lợi hơn cho cơ quan thuế trong theo dõi nghĩa vụ thuế.
Bộ Tài chính khẳng định sẽ xây dựng mô hình quản lý thuế phù hợp với đặc thù hộ kinh doanh, đảm bảo tính minh bạch, linh hoạt và khả thi trong triển khai thực tế trên toàn quốc.
Mộc Miên (Tổng hợp)