USDT hay Tether là đồng tiền mã hóa ổn định với tổng giá trị thị trường thứ ba thế giới, tuy nhiên, giới lập pháp tại các quốc gia đang xem đây như mối đe dọa hệ thống tiền tệ thế giới. Vậy USDT là gì, tại sao USDT lại khiến nhiều người lo ngại?
USDT là gì?
Nhắc tới thế giới tiền mã hóa, nhiều người sẽ nghĩ ngay tới Bitcoin. Tuy nhiên, Bitcoin và các loại Altcoin vẫn chưa tiến đến gần mục tiêu thay thế hệ thống thanh toán trên toàn cầu, loại tiền mã hóa bị nhắm đến gần đây tại nhiều quốc gia là stablecoin, tiêu biểu nhất là USDT – đồng tiền mã hóa có giá trị lớn nhất thị trường stablecoin.
Tether được viết tắt là USDT là tài sản tiền điện tử được phát hành trên blockchain Bitcoin thông qua lớp Protocol Omni. USDT được thiết kế ràng buộc với tài sản trong thế giới thực, như USD nhằm duy trì giá trị ổn định. Trong khi đó, các loại tiền mã hóa khác có mức độ biến động rất lớn do không được ràng buộc với một tài sản thực nào. Ví dụ, giá Bitcoin đạt kỷ lục mọi thời đại gần 65.000 USD vào tháng 4 và đến nay đã giảm khoảng một nửa.
Các nhà giao dịch thường dùng Tether thay cho USD để mua các tiền mã hóa khác. Về cơ bản, việc này mang lại cho họ một phương thức tìm kiếm sự an toàn ở một tài sản ổn định hơn, trong những thời điểm thị trường tiền ảo có sự biến động mạnh. USDT hiện có tổng nguồn cung hơn 60 tỉ đơn vị. USDT thường được neo theo giá đồng USD, mỗi đơn vị USDT được hỗ trợ bởi một đô la Mỹ được giữ trong quỹ dự trữ Tether Limited và có thể được sử dụng thông qua Tether Platform.
Tại sao giới đầu tư và chuyên gia lo lắng về đồng USDT?
Tether chỉ có 2% tiền mặt dữ trự
Nắm giữ Tether không giống như nắm giữ đồng đô la Mỹ. Giá của Tether có thể được cố định với đồng đô la, nhưng nếu thị trường xuất hiện một cuộc chạy đua với USD – nhiều người sẽ cố gắng đổi Tether của họ lấy đồng đô la.
Tether ban đầu tuyên bố rằng mỗi USDT được hỗ trợ bởi một đô la Mỹ trong quỹ dự trữ của công ty. Nhưng thực tế phức tạp hơn: Tether là sự kết hợp của:
- Tiền và các khoản tương đương tiền (Cash/cash equivalents – CCE)
- Khoản vay được bảo đảm
- Trái phiếu công ty
- Các khoản đầu tư khác
Vào tháng 5 vừa qua, Tether cho biết chỉ 2,9% quỹ dự trữ của công ty này là tiền mặt. Phần còn lại trong ngân quỹ của Tether là các hợp đồng thương mại, một dạng nợ ngắn hạn đầy rủi ro. Các chuyên gia kinh tế lo ngại rằng Tether không đủ tiền dự trữ trong ngân hàng để đảm bảo sự neo đậu với đồng bạc xanh.
Tether gặp rắc rối với văn phòng Tổng chưởng lý New York
Các nhà chức trách New York đã đưa ra một số quy định nghiêm ngặt nhất về thị trường tiền mã hóa và cứng rắn trong chính sách chấn chỉnh tội phạm tiền mã hóa. Tháng 2/2021, Tổng chưởng lý New York cáo buộc Tether và sàn giao dịch tiền điện tử Bitfinex (thuộc sở hữu của cùng một công ty Ifinex) che giấu các khoản lỗ một cách bất hợp pháp.
Theo Bộ trưởng Tư pháp Letitia James, “Bitfinex và Tether đã che đậy các khoản lỗ tài chính lớn một cách thiếu thận trọng và bất hợp pháp để duy trì kế hoạch của họ và bảo vệ lợi nhuận của họ. Lời tuyên bố của Tether về việc đồng tiền kỹ thuật số của họ luôn được hỗ trợ bởi USD là một lời nói dối”.
Tether và Bitfinex nhất trí nộp phạt 18,5 triệu USD và bị cấm hoạt động ở bang New York, dù không thừa nhận bất kỳ cáo buộc nào.
Nếu Tether sụp đổ, thị trường tiền mã hóa sẽ bị rung chuyển theo
Cục Dự trữ Liên bang FED nhiều lần thể hiện sự lo ngại về stablecoin nói chung và USDT nói riêng. Vào cuối tháng 6, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Boston, Eric Rosengren, đã liệt kê Tether là một thách thức tiềm tàng đối với sự ổn định tài chính.
“Lý do tôi đề cập đến Tether và stablecoin là nếu bạn nhìn vào danh mục đầu tư của họ, về cơ bản nó giống như danh mục đầu tư của một quỹ thị trường tiền tệ nhưng có mức độ rủi ro cao hơn”.
Các quỹ thị trường tiền tệ (Money Market Fund MMF) về cơ bản là các quỹ đầu tư vào các hợp đồng thương mại được đề cập ở trên – loại chiếm hơn 50% tổng dự trữ của Tether.
Điều đáng lo ngại là Tether đang hoạt động theo cách tương tự như một ngân hàng hoặc tổ chức tài chính nhưng không tuân theo bất kỳ quy định nào của các ngân hàng để bảo vệ người tiêu dùng và ngăn chặn khủng hoảng kinh tế. Đó là lý do tại sao nhiều chuyên gia kinh tế yêu cầu sự thắt chặt quy định với stablecoin để bảo vệ cả nền kinh tế và ngành công nghiệp tiền mã hóa.
Trong cuốn sách “Taming Wildcat Stablecoins” (Tạm dịch: Thuần hóa thị trường Stablecoin hoang dã), Giáo sư Đại học Yale Gary B. Gorton và Jeffery Zhang cho rằng đồng tiền do tư nhân sản xuất như stablecoin không phải là phương tiện trao đổi hiệu quả. Hai tác giả lí giải nguyên nhân do stablecoin không phải lúc nào cũng có giá cố định và do đó có “rủi ro hệ thống do stablecoin tạo ra”.
Tether và stablecoin sắp gặp khủng hoảng trong tương lai?
Tether không phải là đồng stablecoin duy nhất, nhưng đang là đồng stablecoin lớn nhất và phổ biến nhất. Một số stablecoin khác phổ biến như USD Coin và Binance USD.
Cục Dự trữ Liên bang FED đang xem xét tung ra đồng đô la kỹ thuật số của riêng mình, điều này sẽ gây áp lực lên tất cả các stablecoin. Đồng đô la kỹ thuật số được chính phủ hậu thuẫn mang lại lợi ích của các loại tiền tệ dựa trên blockchain (thanh toán nhanh, rẻ), nhưng không có rủi ro và biến động có thể phủ nhận nhiều lợi thế của stablecoin ngày nay. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang nỗ lực thúc đẩy phát triển đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình.