Ngân hàng Standard Chartered vừa hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2021 xuống 2,7% từ mức 4,7%, sau khi tăng trưởng trong quý 3 giảm 6,2% so với cùng kỳ năm trước.
Ngân hàng này cũng đánh giá tốc độ hồi phục kinh tế sẽ gia tăng trong năm 2022 và duy trì mức dự báo tăng trưởng cho năm tới ở mức 7%.
Cách đây 1 tháng, ngân hàng này cũng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 từ mức 6,5% xuống 4,7% đồng thời hạ dự báo năm 2022 từ mức 7,3% xuống còn 7%.
“Tăng trưởng kinh tế nhiều khả năng sẽ hồi phục trong quý 4, tuy nhiên điều này phụ thuộc vào tiến trình mở cửa trở lại của các doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh. Mặc dù kỳ vọng tốc độ tăng trưởng sẽ được thúc đẩy ở thời kỳ hậu COVID-19, chúng tôi cũng vẫn thận trọng cho đến khi các dấu hiệu hồi phục trở nên rõ ràng hơn. Khả năng kiểm soát dịch COVID-19 sẽ tác động đến triển vọng trong ngắn hạn,” ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered chia sẻ.
Chuyên gia kinh tế của Standard Chartered cũng đưa ra dự báo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ duy trì mức lãi suất chính sách ở mức 4% để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng và tiếp tục thận trọng với các rủi ro lạm phát có thể bị tác động bởi các yếu tố đến từ yếu tố nguồn cung.
Theo Standard Chartered, mức dự báo của ngân hàng có thể sẽ giảm xuống, cùng với đó là việc giảm lãi suất có thể xảy ra, nếu những tác động của dịch COVID-19 lên nền kinh tế kéo dài quá tháng 10. Kịch bản đó có thể ảnh hưởng tới vị thế thương mại của Việt Nam.
Chuyên gia Standard Chartered cũng đánh giá tình hình dịch cùng với các biện pháp phòng chống dịch được áp dụng trong thời gian dài có thể gây nên những tác động lên nền kinh tế trong ngắn và dài hạn, từ đó gây ra những rủi ro hệ lụy như lạm phát gia tăng và thu hẹp dư địa tài khóa. Tuy nhiên, vị thế thương mại của Việt Nam tiếp tục duy trì mạnh mẽ ở cả ngắn và trung hạn.
Mới đây, Ngân hàng UOB của Singapore cũng đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam xuống 3% nhưng vẫn giữ triển vọng tăng trưởng GDP năm 2022 với mức 7,4%…Theo UOB, sự sụt giảm trong quý 3/2021 phần lớn là kết quả của việc đóng cửa và các biện pháp hạn chế được áp dụng trên toàn quốc để ngăn chặn làn sóng thứ 4 của đại dịch Covid-19 bắt đầu vào cuối tháng 4 năm 2021.
Do đó, sản lượng công nghiệp và xây dựng trong quý 3/2021 giảm 5,02% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi sản lượng ngành dịch vụ giảm mạnh tới 9,28%.
Cùng với sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, các hoạt động ngoại thương cũng giảm tốc trong quý 3/2021, với xuất khẩu tăng khoảng 18% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn đáng kể so với mức tăng cao được ghi nhận vào tháng 5/2021 (31%).
Trong khi đó, nhập khẩu chỉ giảm nhẹ, khiến thâm hụt thương mại vọt lên 3,4 tỷ USD so với đầu năm, đảo ngược vị thế thặng dư thương mại vốn có.
Ngoài ra, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9/2021 cũng giảm 28,4% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy sự gián đoạn trong cả sản xuất và tiêu dùng.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng GDP chậm lại ở mức 1,42%. Theo UOB, mức tăng trưởng này thậm chí còn thấp hơn mức tăng 2,12% được ghi nhận trong cùng kỳ năm 2020 khi thế giới đang chống chọi với đại dịch Covid-19.
Sắp tới, khi các biện pháp cách ly đặc biệt là ở các trung tâm sản xuất lớn ở miền Nam dự kiến sẽ được dỡ bỏ từ tháng 10/2021 và tốc độ tiêm chủng tăng nhanh, UOB tin rằng các doanh nghiệp và nhà máy sẽ hoạt động trở lại vững chắc hơn trong quý 4/2021.
Tuy vậy, với tốc độ mở rộng kinh tế từ đầu năm chỉ ở mức 1,42%, tăng trưởng GDP cả năm có thể sẽ là một thách thức để vượt quá tốc độ tăng trưởng 2,9% trong năm 2020.